PV: Thông thường trong gia đình, khi người vợ tham gia công tác xã hội và có chức vụ cao hơn chồng thì người chồng không cảm thấy thoải mái, anh có suy nghĩ như vậy không?
Anh Phan Thanh Tâm (P.T.T): Tôi nghĩ mỗi người đều có một nghề của mình, không phân biệt nam, nữ, dẫu sao nghề đó mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và có ích với xã hội. Vợ tôi tham gia công tác xã hội, tôi ở nhà làm ruộng, chăn nuôi nhưng tôi không bao giờ cảm thấy chán nản vì tôi yêu đồng ruộng của tôi, yêu những sào cá của tôi và tôi thấy vui khi làm việc đó cũng như vợ tôi yêu công việc của mình. Nhiều người trong thôn lúc đầu cũng nói ra, nói vào nhưng tôi nghĩ nếu như thật sự hiểu và thông cảm được công việc của nhau thì luôn có sự thoải mái từ hai phía. Nếu được đổi lại tôi cũng không thích làm công tác xã hội. Đó là đam mê riêng của mỗi người và tùy thuộc vào năng lực của bản thân mỗi người. Nam giới có thể làm lãnh đạo thì tại sao phụ nữ lại không thể làm được. Tôi rất tôn trọng vợ tôi cũng như công việc của cô ấy.
PV: Nhưng với thiên chức làm vợ, làm mẹ mà lại giữ vị trí cán bộ chủ chốt trong xã với bao nhiêu công việc bộn bề, chắc chắn một mình chị không thể lo toan hết công việc gia đình?
Anh P.T.T: Với công việc gia đình, tôi luôn chia sẻ với vợ tôi. Tôi quan niệm rằng kể cả cô ấy không làm công tác xã hội thì việc nuôi dạy con cái cũng như những việc gia đình là của chung cả hai vợ chồng. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, lại gánh thêm rất nhiều công việc xã hội, tôi thấy vợ tôi rất vất vả nên giúp được việc gì tôi sẵn sàng và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Nhiều người quan niệm nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa hay giặt giũ… không phải là việc của đàn ông nhưng trong gia đình tôi mọi việc đều được chia sẻ, vợ chồng hiểu và thông cảm cho nhau. Vợ tôi cũng cố gắng sắp xếp công việc khoa học, dành thời gian để chăm lo, nuôi dạy con cái, vào bếp nấu ăn… Nói chung là cả hai vợ chồng đều cố gắng để thu xếp thời gian hợp lý cùng nhau gánh vác công việc gia đình cũng như bàn bạc thống nhất trong mọi quyết định lớn, nhỏ khác như sửa nhà, mua sắm đồ đạc hay đối xử với 2 bên nội, ngoại… Và tôi nghĩ đó chính là điều quan trọng nhất làm nên hạnh phúc trong gia đình.
PV: Anh quan niệm như thế nào về sinh con một bề?
Anh P.T.T: Với tôi con trai, con gái không quan trọng miễn là con cái phải ngoan ngoãn, học tập tốt, biết nghe lời bố mẹ. Tôi biết có những gia đình khi người vợ sinh con một bề thì phải chịu nhiều áp lực nhưng quan điểm của tôi là cố gắng làm sao để nuôi dạy con thật tốt, con nào mà chẳng là con. Việc trọng nam, khinh nữ đã là chuyện của quá khứ chứ bây giờ nhiều người phụ nữ giỏi giang lắm, họ tự khẳng định mình trên mọi lĩnh vực…
PV: Đấy là quan điểm của riêng anh chứ ở nông thôn việc sinh con một bề chắc vẫn còn nặng nề?
Anh P.T.T: Tôi thừa nhận việc này có và tương đối nhiều nhưng chúng ta cần thay đổi lại quan điểm, cách nhìn với người phụ nữ, cần tháo bỏ những rào cản để người phụ nữ có điều kiện phát triển. Bản thân tôi đã tạo điều kiện cho vợ đi học suốt mười năm hết lớp này đến lớp khác để nâng cao trình độ. Cho đến bây giờ cô ấy vẫn đang tiếp tục đi học thêm một lớp về kinh tế.
PV: Chắc không có được nhiều người có suy nghĩ "thoáng" như anh vì ở nông thôn vẫn tồn tại quan niệm phụ nữ không cần học hành cao làm gì?
Anh P.T.T: Chắc chắn ở đôi chỗ vẫn còn tồn tại việc này vì khi vợ tôi đi học tôi thấy nhiều người kể cả trong gia đình tỏ ra băn khoăn, có người còn nói để vợ đi học cao về, chồng dễ bị lép vế, nhưng tôi không nghĩ như thế. Tôi thấy khi vợ tôi được đi học, cách cư xử với chồng, cách dạy bảo con cái khéo léo hơn, khoa học hơn và sự am hiểu xã hội rộng hơn. Tôi thấy vui vì điều đó. Tại sao chúng ta lại không tạo điều kiện để người phụ nữ có thể học cao hơn trong khi họ có đủ khả năng tiếp thu. Tôi nghĩ quan niệm là một phần, phần khác là do phụ nữ nông thôn chưa có điều kiện để học tập nâng cao trình độ. Tôi tin có rất nhiều người phụ nữ muốn được học tập và sẽ có rất nhiều người đàn ông ủng hộ việc vợ tham gia công tác xã hội và học tập nâng cao trình độ như tôi.
PV: Xin hỏi anh một câu cuối cùng là theo anh yếu tố nào quan trọng nhất để cân bằng cuộc sống và giữ cho gia đình luôn hạnh phúc?
Anh P.T.T: Tôi nghĩ hạnh phúc gia đình có được nhờ sự nỗ lực từ cả hai vợ chồng. Điều quan trọng nhất là mỗi người phải cùng nhau gánh vác những công việc gia đình, biết hiểu và thông cảm, chia sẻ cho nhau để cùng đi đến thống nhất trong mọi công việc.
PV: Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Quỳnh Thu (Thực hiện)