Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Bình Nguyên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu quá trình anh đến với thơ cũng như tâm sự về nghề, về trách nhiệm của nhà thơ trong đời sống xã hội hiện nay.
Phóng viên (P.V): Thưa anh Bình Nguyên, so với nhiều nhà thơ chuyên nghiệp khác, anh đến với thơ có phần muộn màng nhưng rất chắc chắn. Bằng chứng là anh đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đã đạt những giải thưởng lớn. Phải chăng đó là duyên nợ?
Nhà thơ Bình Nguyên: Hồi nhỏ tôi theo cậu ruột đi cất vó đêm ở đầm làng ven sông Đáy. Thỉnh thoảng cậu đọc thơ cho tôi nghe, thơ cổ, thơ mới và cả thơ của cậu tôi. Rồi tôi đi bộ đội mười năm, mỗi khi nhớ cậu, nhớ quê, tôi thường ngẫm ngợi những câu thơ đã thuộc. Thế rồi thơ ngấm vào tôi tự lúc nào không biết. Rồi tôi làm thơ, làm để nói với mình. Năm 1995, được biết Hội văn nghệ Ninh Bình tổ chức thi thơ, tôi đem một chùm thơ đến gặp nhà thơ Vũ Hùng, lúc đó là biên tập thơ cho Tạp chí văn nghệ Ninh Bình xem có dự thi được không. Vài hôm sau anh Vũ Hùng gặp tôi, động viên gửi dự thi. Năm ấy tôi được giải. Từ đó tôi chuyên tâm hơn vào thơ, vừa làm, vừa học, vừa tìm hiểu. Cuối năm 1998, đọc bài "Một chặng đường thơ trẻ" của nhà thơ Bế Kiến Quốc in trên văn nghệ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, thấy thơ của mình được trích dẫn và phân tích khá kỹ ở bài "Mây trắng bay", tôi thật hạnh phúc và nghĩ rằng mình cũng biết làm thơ. Từ đó tôi lặng lẽ viết, lặng lẽ gửi, lặng lẽ chờ đợi, rồi trưởng thành trong sáng tạo văn chương.
P.V: Nhiều người cho rằng làm thơ là để giải khuây, giống như thú chơi tao nhã, còn quan niệm của anh về thơ là gì?
Nhà thơ Bình Nguyên: Tôi luôn nghĩ thơ là niềm an ủi, là sự giãi bày trước cuộc sống. Thơ là những cung bậc tình cảm của tâm hồn luôn khát khao, vươn tới những giá trị nhân văn... Khi nào con người còn yêu cái đẹp thì còn có thơ làm nền, làm điểm tựa dọc con đường vươn tới sự hoàn thiện, và chính thơ làm cho thế giới nội tâm của mỗi con người thêm phong phú, giàu có. Thơ nói hộ con người nhiều thứ mà không một thứ ngôn ngữ nào ngoài thơ nói được. Tôi sinh ra và lớn lên nhờ hạt gạo thì không bao giờ quên được cây lúa nước. Làng tôi một ngày nào đó trở thành đô thị dù có hiện đại đến đâu chăng nữa thì vẫn có bóng núi ngả vào và gió đồng thổi lại. Tôi nghĩ, làm thơ vất vả và nghiệt ngã lắm. Càng đến với thơ càng thấy con đường còn xa. Sáng tạo không bao giờ có đích, cái đẹp là sự vươn tới của thơ. Muốn bước những bước dài, vững chắc trên con đường viết đòi hỏi người viết phải vượt lên, bứt phá trong sáng tạo, nếu không dòng chảy của lịch sử văn chương đích thực sẽ tràn qua và nhấn chìm anh trong quên lãng. Tôi nghĩ những bài thơ hay bao giờ cũng phải có giá trị cao về nghệ thuật và tính tư tưởng trong đề tài hấp dẫn. Sức nặng của thơ chính là sự phát hiện, khám phá, tìm tòi, mới mẻ trên nền cảm xúc. Thơ cũng như văn hấp dẫn người đọc ở dung dị, mộc mạc, nhưng lại ngân lên những âm thanh có sức gợi, cuốn hút người đọc. Hạnh phúc nhất của người làm thơ là thơ mình có ở trong lòng người đọc.
P.V: Ngày Thơ Việt Nam đang trở thành hoạt động văn hóa, nhân văn được nhiều người chờ đón, cảm xúc của anh trong ngày này như thế nào?
Nhà thơ Bình Nguyên: Tôi cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Ngày Thơ Việt Nam hàng năm trên cả nước để mỗi năm những người yêu thơ ít nhất cũng có một ngày sống trọn trong tình yêu bất tử với thơ. Đất nước nếu thiếu đi một chút của cải thì con người lại hợp sức với nhau làm ra của cải bù đắp lại. Nhưng nếu thiếu đi một Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương hay một Trương Hán Siêu... thì dân tộc, quê hương sẽ nghèo đi một thứ của cải tinh thần không có gì bù đắp được. Tôi không tin có người nào đấy không yêu thơ, nhưng tôi nghĩ vì cái ăn, cái mặc hay một lý do nào đó mà có người quên thơ và hy vọng Ngày Thơ Việt Nam là chiếc cầu bắc xuyên vùng quên ấy. Với tôi, nếu hoa hồng được mệnh danh là chúa tể của các loài hoa thì thơ là hoa hồng của đời sống.
Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội của hoa hồng, hương sắc của hoa hồng không những tỏa ngát đêm rằm Nguyên tiêu mà sẽ mãi mãi tỏa ra quyến rũ con người. Ngày Thơ Việt Nam năm nay ở Ninh Bình hết sức có ý nghĩa bởi chúng ta đang làm rất nhiều việc thiết thực hướng về một nghìn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội.
P.V: Trên cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình, anh nghĩ gì về trách nhiệm của mình với nền văn học nghệ thuật địa phương?
Nhà thơ Bình Nguyên: Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt có nền văn hóa truyền thống cổ kính, lâu đời. Cách đây trên 1.000 năm có Kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta (Nhà nước Đại Cồ Việt). Ninh Bình đẹp và thơ mộng, có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng. Người Ninh Bình chất phát và ấm áp. Tôi tự hào được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Đất và người Ninh Bình luôn là đề tài lớn, hấp dẫn cho những người sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và làm thơ nói riêng. Trên cương vị quản lý, tôi phải cố gắng chăm lo đến công tác phát triển Hội, xây dựng Hội thành một mái nhà chung, đầm ấm cho anh chị em hội viên, đồng thời động viên nhau cùng chia sẻ, cảm thông những cá tính của nhau, tạo điều kiện cho nhau sáng tạo.
Những năm qua, Hội VHNT địa phương nói chung và các văn nghệ sĩ nói riêng luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho phát triển. Từ những điều đó, chúng tôi phấn đấu và cố gắng phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt, đóng góp vào dòng chảy của nền văn học nước nhà. Đặc biệt chú trọng những tác phẩm mang dấu ấn và sắc thái của đất và người Ninh Bình.
P.V: Xin cảm ơn anh!
Trang Nhung (Thực hiện)