Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thành xúc động: Vợ chồng tôi nên duyên cũng bất ngờ lắm. Tốt nghiệp Đại học Vinh, khoa Sử, tôi xung phong ra dạy chữ trên đảo Phú Quốc. Tại đây, tôi đã gặp anh Huân, một cảnh sát biển quả cảm, yêu nghề. Tình yêu của anh làm tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương để thêm gắn bó hơn với mảnh đất đầy nắng, gió, gắn với tiếng cười nói trong trẻo của trẻ thơ Phú Quốc. Chúng tôi quen rồi yêu nhau đều nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình, mặc dù chưa một lần chúng tôi có dịp ra mắt hai bên. Lễ cưới của chúng tôi được tổ chức giản dị nhưng đầm ấm, ý nghĩa tại Phú Quốc. Thiệt thòi vì thiếu hai bên gia đình, nhưng lễ cưới của chúng tôi có sự chứng
giám và chúc phúc của nhà trai là đơn vị của anh, còn nhà gái chính là tập thể giáo viên trường PTCS Bãi Thơm- nơi tôi đang dạy học. Cưới nhau được 1 năm, khi cậu con trai đầu lòng còn chưa kịp chào đời thì anh Huân chuyển công tác ở Cảnh sát biển Vùng 2 và gắn bó với con tàu 4032 từ đó. Để hợp thức hóa gia đình, cuối năm 2011, chị Thành được tạo điều kiện chuyển về dạy học tại trường cấp 2 Gia Lạc.
Theo lời kể của ông Vũ Văn Dân, cha của thượng úy Vũ Trọng Huân thì Huân là con lớn trong gia đình nên ngay từ nhỏ đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, có trách nhiệm trong việc dạy dỗ các em học hành. Huân chịu khó học và ước mơ thi vào Trường Kinh tế Quốc dân. Song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Huân xung phong đi bộ đội. Hết hai năm nghĩa vụ, Huân nộp hồ sơ dự thi vào Học viện Hải quân, chuyên ngành cảnh sát biển để nối nghiệp cha và Huân đã đỗ với số điểm khá cao. Ngày Huân có kết quả thi Đại học, bà con lối xóm đến chung vui, ai cũng mừng và tự hào về Huân. Sau 5 năm miệt mài học tập, Huân ra trường và được điều động ra nhận công tác ở đảo Phú Quốc. "Khi con có lệnh ra nhận nhiệm vụ ở đảo Phú Quốc, gia đình tôi cũng thương con lắm. ở nơi đầu sóng, ngọn gió ấy liệu con có đủ sức mạnh, nghị lực để tròn trách nhiệm với quê hương? Nhưng trái với tâm trạng của gia đình, Huân rất phấn khởi. Huân nói rằng, con rất yêu biển. Biển sẽ là nhà, là quê hương, là người thân ruột thịt của con"- ông Dân xúc động.
Và, sau vài năm công tác, đến nay, Huân được tin tưởng giao trọng trách là thuyền trưởng của tàu 4032- con tàu tiên phong trong biên đội tàu của lực lượng cảnh sát biển có nhiệm vụ áp sát và yêu cầu lực lượng bảo vệ và giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Đây là con tàu từng bị tàu của Trung Quốc đâm, húc làm hơn 10 mét lan can mạn trái bị rách, nhiều trụ bị nhổ trốc đinh… Tuy nhiên, sau khi tàu 4032 cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa, chỉ trong 1 ngày đêm đã trở lại Hoàng Sa để tiếp tục sát cánh cùng với biên đội tàu cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
Ông Vũ Văn Dân kể lại, trong giờ phút hiếm hoi trên bờ, Huân chỉ kịp gọi điện về hỏi thăm và động viên gia đình. Trong câu chuyện ấy, chàng cảnh sát biển trẻ kể nhiều về sự gan dạ, thông minh, sáng tạo của đồng đội trong quá trình làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Dù đã từng đứng giữa cái lằn ranh sinh-tử, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, nhưng trong những ngày Biển Đông dậy sóng, ông Dân phải vững vàng, cố gắng cầm lòng mà động viên con, động viên gia đình. Những ngày đó, cả gia đình, họ hàng, bà con lối xóm đều chăm chú theo dõi chương trình thời sự để muốn biết nhiều hơn thông tin về những cán bộ, chiến sỹ trên tàu, trong đó có cả đứa con thân yêu của gia đình ông Dân, của bà con lối xóm.
Những ngày này, các cấp, các ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm, động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả của thân nhân gia đình các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam. Đến với mỗi gia đình là một câu chuyện cảm động về ý chí, đức hy sinh của các bậc làm cha, làm mẹ, sự vất vả, thiệt thòi của những người vợ cảnh sát biển. Vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả, họ trở thành hậu phương vững chắc, ngày đêm hướng ra biển khơi, dõi theo mỗi chiến công, mỗi thành tích của các anh. "Các anh hãy vững tin bám biển, giữa chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quê hương, gia đình luôn gửi trọn niềm tin ở các anh"- chị Nguyễn Thị Thành gửi gắm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng