Biến đổi khí hậu sẽ còn tăng lên cùng với dự báo nước biển dâng, sóng lớn, triều cường, tần suất bão, lũ, xâm nhập mặn xuất hiện nhiều, phù sa thay đổi… đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của con người.
Ở Ninh Bình nhiều năm qua, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân chịu không ít thiệt hại do các hiện tượng bão, lũ lụt, hạn hán, lũ quét, ngập úng, xói lở đất, xâm nhập mặn ở vùng ven biển… gây ra.
Theo tính toán từ năm 2000 đến nay, bình quân hàng năm tỉnh ta có trên 16 nghìn ha cây trồng, con nuôi bị ngập úng, 6.500 ha cây trồng, con nuôi bị ảnh hưởng do hạn. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng bãi biển Kim Sơn thường lấn sâu vào các cửa sông từ 20 - 25 km trên sông Đáy và 10 - 15 km trên sông Vạc, gia tăng rõ trong thời gian gần đây ở giai đoạn nông dân đổ ải vụ đông xuân. Từ năm 2006 đến nay cũng do ảnh hưởng gió bão, rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài… làm cho 242 ha rừng trồng ngập mặn ở vùng ven biển Kim Sơn bị thiệt hại; 100 nghìn cây giống bần chua bị chết, ngập lụt hàng nghìn ha vùng nuôi trồng thủy sản…
Các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hành động thiết thực góp phần giảm thiểu, ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu. Để ngăn chặn lũ và bão biển, hàng năm Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều chủ động thực hiện các phương án chống lụt bão; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến các cơn bão, duy trì chế độ trực ban 24/24h; thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống, chú trọng các điểm xung yếu; đã ban hành quy chế vận hành các tràn Lạc Khoái, Đức Long, Gia Tường; triển khai phương án di dân vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn. Công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều, xây kè các công trình hoàn thành đúng thời gian quy định, đảm bảo khối lượng, chất lượng.
Các công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp vững chắc hơn như dự án đê Đầm Cút, nâng cấp, nạo vét sông Đáy, dự án Âu cầu Hội, nâng cấp đê Năm Căn, nâng cấp đê biển Bình Minh II, hàn khẩu đắp đê Bình Minh III, có trồng cây chắn sóng biển; nạo vét, nâng cấp, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, nâng cấp đê Hoàng Long… Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 838 km.
Ở lĩnh vực môi trường, tỉnh ta đã xây dựng và phê duyệt định hướng chiến lược phát triển bền vững của tỉnh, lập quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2020. Việc hạn chế, từng bước xóa bỏ loại hình sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch để giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh những năm qua được coi là một động thái tích cực cho vấn đề môi trường sống, môi trường sinh thái trước mắt và lâu dài. Trên 90% lò nung vôi, gạch thủ công trên địa bàn xen lẫn trong khu dân cư đã được xóa bỏ. Hai dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng do không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đã bị đình chỉ. Một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường bị di dời, đóng cửa... Ngoài những biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh các hoạt động sản xuất trên địa bàn không thực hiện bảo vệ môi trường, việc thẩm định công nghệ, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư lớn của ngành chức năng, mà cụ thể là Sở Tài nguyên - Môi trường từng bước được nâng cao. Đồng thời tỉnh ta còn tập trung cao vào công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, trong đó bảo vệ tốt 5 hệ sinh thái đặc trưng: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, gò đồi, vùng đồng bằng, thủy vực và vùng ven biển.
Phong trào trồng, bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây xanh trên các trục đường, vườn hoa, công viên, trồng cây ăn quả vùng đồi núi, trồng rừng phòng hộ kết hợp nuôi thủy sản huyện Kim Sơn… thường xuyên được phát động sâu rộng trên toàn tỉnh, thu hút sự tham gia hiệu quả của các tầng lớp nhân dân.
Môi trường sống có được đảm bảo cần sự vào cuộc đồng bộ, trong đó cần có cách tiếp cận tích hợp trong phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ khâu hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tổ chức, quản lý triển khai, đến sự phối hợp giữa các lĩnh vực chuyên môn; việc tiến hành giám sát, kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và nỗ lực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường bền vững mai sau.
Hoàng Tâm