Ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Trong những năm gần đây, hàng Việt đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình, đó cũng là lời khẳng định cho trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh của người Việt. Chính vì lẽ đó, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Hiện nay, người tiêu dùng Việt không còn tâm lý sính ngoại nhiều như trước, họ ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, thương hiệu. Vì thế, sản phẩm nào tốt, giá trị và giá thành phù hợp sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 198.400.000 đồng; tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của 370 đại biểu là đại diện Sở Công thương, Liên minh hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc và một số tỉnh, thành phố khác.
Hưởng ứng cuộc vận động này, Sở Công thương cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến các doanh nghiệp trên địa bàn, do vậy nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đồng hành tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh với Big C Ninh Bình nhằm đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ phân phối tại hệ thống Siêu thị Big C; tổ chức 155 chương trình xúc tiến thương mại với tổng số tiền gần 15,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh; tổ chức 11 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và 3 đợt đưa hàng Việt về khu công nghiệp với 110 gian hàng, thu hút 55 lượt doanh nghiệp tham gia và 86.000 lượt khách tham quan mua sắm, trị giá giao dịch 13 tỷ đồng với tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Trung ương và tỉnh là 423 triệu đồng.
Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được quan tâm, chú trọng góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường.
Các cơ chế, chính sách cũng được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với việc triển khai Cuộc vận động. Các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về chợ truyền thống đã được triển khai đến nhiều địa phương trong tỉnh. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ hàng nội, giữa doanh nghiệp với các địa phương để đưa hàng hóa về từng địa phương đã được hình thành và phát triển…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tích cực đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, do đó, nhiều hàng Việt đã đáp ứng yêu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người Việt.
Có thể nói, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội, từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và thói quen tiêu dùng của nhân dân, nâng cao ý thức văn hóa trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nguyễn Thơm