Là 1 trong 6 doanh nghiệp lớn của tỉnh đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Công ty TNHH Ngọc Sơn (thành phố Ninh Bình) đã nhập lượng hàng hóa lớn chất đầy 2 kho hàng của Công ty, chủ động lượng hàng đủ chủng loại phân phối cho các đại lý trong tỉnh, cung ứng kịp thời tới người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sơn cho biết: Là một trong những doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng, Công ty cũng nhận rõ trách nhiệm khi tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh nhằm phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo phân phối đủ hàng hóa cho người dân từ vùng sâu, vùng xa đến người dân thành phố. Công ty đăng ký danh sách điểm bán hàng, mặt hàng, giá bán lẻ gồm 56 mặt hàng là các loại bánh, mứt, kẹo; trà, cà phê, ngũ cốc; dầu ăn; hạt nêm, nước mắm, bột canh, mỳ tôm. Giá trị hàng hóa Công ty dự trữ vài chục tỷ đồng. Công ty tổ chức điểm bán hàng tại 78 cửa hàng trên địa bàn thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn.
Tại 20 cửa hàng trên địa bàn huyện Kim Sơn, Công ty đăng ký treo băng rôn "hàng bình ổn giá", sẽ phục vụ bán tới hết ngày 30 Tết. Hiện nay, tâm lý của người dân không mua hàng trước tích trữ nên mặc dù Công ty triển khai bán hàng bình ổn giá hơn nửa tháng nay (từ 1/1/2018) nhưng sức mua mới rục rịch tăng, chưa có sự đột phá. Lượng hàng năm nay Công ty dự trữ tăng hơn so với năm trước.
Công ty TNHH Chính Gấm (phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp) nhiều năm nay tham gia Chương trình bình ổn giá của tỉnh vào các dịp Tết cổ truyền. Ông Tạ Văn Chính, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2018, Công ty đăng ký danh sách điểm bán hàng, mặt hàng, giá bán lẻ với Sở Công thương gồm 35 mặt hàng là các loại bánh, mứt, kẹo; đường; rượu, bia, nước giải khát. Công ty bán hàng bình ổn giá tại 20 cửa hàng trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô. Các mặt hàng Công ty dự trữ tại kho có trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hàng hóa của Công ty nhập về phục vụ nhân dân luôn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên các mặt hàng của Việt Nam sản xuất với công nghệ cao. Qua đó hướng người dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Theo dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại tỉnh trong các tháng giáp Tết ước khoảng 507 tỷ đồng, tăng khoảng 10-20% so với các tháng trong năm. Nhu cầu tiêu dùng, khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu như lương thực có khả năng tăng nhẹ, thịt gia súc tháng cuối năm có thể lên tới khoảng 1.270 tấn thịt, trong tỉnh có thể đủ nguồn cung; thịt gia cầm và thủy sản tăng 18-25% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán tăng, trong đó bánh mứt kẹo các loại khoảng 1.100 tấn; rượu bia, nước giải khát khoảng 90 triệu lít, khoảng 20-25% tổng lượng hàng tiêu dùng.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý, góp phần hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ngành Công thương đã triển khai Đề án "Hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018". 6 đơn vị tham gia là: Công ty TNHH TM&DV Anh Đức, Công ty TNHH Chính Gấm, Công ty TNHH MTV Cường Thịnh, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH Vượng Thủy, Công ty TNHH Thương mại Hà Giang. Các Công ty bán hàng bình ổn giá tại 100 điểm bình ổn giá trong toàn tỉnh. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn giá được khởi động từ ngày 1/1/2018 đến 28/2/2018.
Bài, ảnh: Tiến Minh