Sáng ngày 1/11, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống bão lụt tại 2 xã Gia Tường và Đức Long (Nho Quan), thăm hỏi tình hình của người dân vùng lũ. Đồng chí nói: Bên cạnh việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng lũ thì một việc làm bức thiết hiện nay là không để dịch bệnh xảy ra. Tỉnh cùng với địa phương phải nỗ lực không để người dân các xã vùng lũ thiếu thức ăn, nơi ở và thuốc men cần thiết.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, đến ngày 1/11, Sở Y tế Ninh Bình đã cấp cho huyện Nho Quan 20 cơ số thuốc, 26 nghìn gói thuốc ăn chân, 200 ngàn lọ thuốc nhỏ mắt, 5.000 gói Orezol…Sở cũng đã điều động 4 đoàn bác sỹ xuống 4 xã thiệt hại nặng nề nhất là: Đức Long, Gia Tường, Gia Thủy, Lạc Vân. Đội y tế dự phòng cũng cử một đội cấp cứu lưu động xuống giúp dân vùng lũ. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm y tế Nho Quan cho biết, huyện cũng đã cấp 12 cơ số thuốc, 100 ngàn viên cloraminB, 500kg keo làm sạch nước xuống 7 xã đang bị ngập lụt. Đối với 4 xã trọng điểm huyện cũng cử 1 đội cấp cứu xuống "nằm vùng". Tại thời điểm này quan trọng là phải tuyên truyền hướng dẫn cho nhân dân vệ sinh ăn uống, sinh hoạt không để các mầm bệnh lan truyền. Sau khi nước rút mới có thể thực hiện các phương án về vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước.
Khoảng sân không ngập nước là nơi nhốt gia cầm.
Tại xã Đức Long, đội y tế của Bệnh viện đa khoa Ninh Bình, Trung tâm Y tế Nho Quan và tất cả nhân viên trạm y tế xã đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng khám chữa bệnh cho người dân khi cần thiết. Bác sỹ Trần Thị Hồng, trạm trưởng trạm y tế xã cho biết: Hiện nay, xã đã cấp xuống hộ dân 4980 lọ thuốc nhỏ mắt, 4 cơ số thuốc, 800 gói nước ăn chân, 30 gói keo làm sạch nước, 20.000 viên CloraminB. Hiện tại vai trò của y tế thôn, bản rất quan trọng. Hằng ngày họ phải đi đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách khử khuẩn nước ăn, phòng chống dịch bệnh khi lũ, lụt. Ông Phạm Văn Lãm, Chủ tịch UBND xã cho biết: sau khi nước rút thì việc đầu tiên là phải tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường khu dân cư. Huy động các đoàn thể cùng vào cuộc tham gia dọn vệ sinh môi trường, hạn chế các dịch bệnh có thể xảy ra.
Bác sỹ Đinh Phúc Ngọc, đội trưởng đội cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Ninh Bình cho biết: Đoàn gồm 2 bác sỹ và 3 y tá, ngay sau khi có lệnh lên vùng lũ đoàn đã chuẩn bị những dụng cụ cấp cứu và thuốc cần thiết gấp rút lên đường và có mặt tại xã Đức Long lúc 9h sáng (ngày 1/11). Đoàn sẽ "cắm chốt" tại đây đến khi nào nước rút. Trong thời điểm hiện nay thì nhiệm vụ của đoàn là xử lý các tình huống cấp cứu do tai nạn, chưa thể tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Đến hết ngày 1/11, tại xã Đức Long mới chỉ có một bệnh nhân bị thương do ngã lúc vận chuyển đồ đạc.
Sau khi khảo sát tình hình lũ lụt tại 2 xã Đức Long, Gia Tường, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo: Ngay từ bây giờ ngành y tế phải chuẩn bị mọi biện pháp để đảm bảo hạn chế đến mức tối đa dịch bệnh xảy ra trong vùng lũ. Đặc biệt sau khi nước rút cần nhanh chóng triển khai công tác vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc ở các khu dân cư. Hướng dẫn để nhân dân làm sạch nước ăn, không để xảy ra các dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Nguyễn Thơm - Phạm Trường