Khi được chọn là một trong số các đơn vị làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM), Thượng Kiệm là xã đã đạt được một số tiêu chí NTM như: hệ thống chính trị, giáo dục, y tế… Đồng chí Phạm Hữu Cân, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Với thuận lợi có được, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, sự cần thiết của chương trình cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong xây dựng NTM. Trên cơ sở rà soát, đánh giá cụ thể, chính xác các tiêu chí còn lại, xã đã triển khai thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch từng năm nhằm tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và sức dân.
Bước sang năm 2014, với 4 tiêu chí còn lại chưa hoàn thiện là: tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, xã đã có những giải pháp cụ thể, sát thực để từng bước phấn đấu thực hiện. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu giống diễn ra mạnh mẽ, xã đã đưa trên 80% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng mô hình "ba tầng" trong sản xuất để thay thế cho các diện tích cấy lúa cho năng suất thấp với trên 30 ha, chú trọng phát triển và mở rộng 6 làng nghề truyền thống nhằm thu hút thêm lao động và tạo điều kiện về vốn vay, kiến thức, đào tạo nghề để lao động có việc làm ổn định…
Do đó, bình quân thu nhập trên đầu người từ 24,8 triệu đồng/năm (năm 2013) đã tăng lên 26,69 triệu đồng vào cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,9% xuống còn 2,94%. Đối với tiêu chí về đường giao thông và cơ sở vật chất văn hóa, xác định đây là 2 tiêu chí dựa nhiều vào sự đóng góp của nhân dân, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, xã còn có sự hỗ trợ về kinh phí để hoàn thiện các công trình. Địa phương đã tạo điều kiện cho các thôn, xóm xây dựng đường dong có chiều rộng từ 3 m trở lên được hỗ trợ xi măng từ Nhà nước, xã hỗ trợ cát, đá và người dân đóng góp ngày công để hoàn thiện.
Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn xã đều được bê tông hóa với 26,9 km đường dong, 10,5km đường trục xã, 20,8 km đường trục chính nội đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân. Cũng từ sự tham gia của người dân, 11/11 xóm đã có nhà văn hóa từ trước năm 2011 nhưng đều được bổ sung kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị mới với nguồn kinh phí từ 30-50 triệu đồng/nhà. Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và thu từ quyền sử dụng đất, Nhà văn hóa xã khang trang trị giá 6,5 tỷ đồng mới được hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong năm 2014. Do đặc thù gần thị trấn Phát Diệm, không phải thực hiện tiêu chí số 7 về chợ nông thôn nên đến hết tháng 11-2014 cả 18/18 tiêu chí NTM đã sớm được hoàn thiện. Qua khảo sát và lấy ý kiến của người dân, có 98,93% người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM của địa phương.
Về xã bãi ngang Kim Đông, tuy là xã xa trung tâm huyện, nhưng những năm qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của địa phương luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của huyện. Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy không phải là xã làm điểm, nhưng cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã luôn nỗ lực trong việc hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng NTM. Có thuận lợi là luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện về các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nông thôn như: trường học, trạm y tế, đường giao thông…, người dân địa phương đã xác định mình là chủ thể chính của chương trình xây dựng NTM nên đã tích cực, trách nhiệm tham gia thực hiện các tiêu chí.
Trong đó, thực hiện tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, nhiều hộ gia đình đã vượt khó, phát huy thế mạnh và kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản để đầu tư vào ao, đầm, chú trọng kỹ thuật, con giống, thời vụ. Từ đó từng bước đạt hiệu quả trong thu hoạch. Việc giúp đỡ hộ nghèo ở địa phương cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Hộ nghèo thuộc đoàn thể nào sẽ được đoàn thể đó trực tiếp giúp đỡ về ngày công, con giống, kiến thức, kinh nghiệm, vốn vay…
Đến nay, ngoài nuôi trồng thủy sản, ở Kim Đông đã xuất hiện các mô hình kinh tế cho hiệu quả bước đầu như: trồng cây thanh long ruột đỏ, dưa lê, mô hình nuôi lợn thịt, lợn nái… Có nghề, 100% lao động trong độ tuổi đều có việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 tăng lên 26,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,01% năm 2013 xuống còn 3,78% vào cuối năm 2014. Đặc biệt, Kim Đông là vùng đất mới, tỷ lệ đồng bào có đạo chiếm 47,8%, người dân từ nhiều địa phương về lập nghiệp nhưng việc thực hiện xây dựng NTM luôn nhận được sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân.
Tổng nguồn vốn người dân đóng góp xây dựng NTM của xã đạt 39 tỷ đồng, con em quê hương đã ủng hộ gần 1 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí về nhà ở, xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông, hiến đất, góp ngày công… Riêng năm 2014, 4 tiêu chí còn lại là: hộ nghèo, thu nhập, y tế và cơ sở vật chất văn hóa được xã hoàn thiện đạt kết quả cao. Hiện 6/6 xóm trong xã đều có nhà văn hóa được nâng cấp, đầu tư thêm về trang thiết bị, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011- 2020, 3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1…"Về đích" trong xây dựng NTM ở Kim Đông còn mang đậm ý nghĩa là sự nỗ lực vươn lên của một địa phương hầu như có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều địa phương trong huyện, trong tỉnh, là tiền đề để vùng đất mở có cơ hội phát triển, vươn lên…
Phan Hiếu