Cần có một bộ giống lúa mới Yên Khánh là một trong hai vùng lúa lớn của tỉnh Ninh Bình, hàng năm có diện tích gieo trồng lúa khoảng 14.000 ha. Các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân ở đây rất tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 120-125 tạ/ha.
Ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Trong cơ cấu giống lúa của huyện thì có tới 90% là giống lúa thuần, trong đó trên 70% là giống thuần chất lượng cao.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn đó là bộ giống lúa thuần của Yên Khánh chủ lực vẫn là LT2 và Bắc thơm 7. Hai giống này đã ăn sâu vào trong tư duy, tập quán canh tác của người dân do có những ưu thế như thời gian sinh trưởng ngắn, gạo ngon, dễ bán, dễ canh tác.
Nhưng điểm yếu của giống lúa này là trong vụ đông xuân thường bị bệnh đạo ôn, vụ mùa thì bạc lá, nhiều năm 2 bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Cụ thể như vụ mùa năm 2016, nhiều diện tích lúa của huyện năng suất giảm tới 40-50%.
Là một trong những đơn vị đi đầu cả tỉnh về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đang phấn đấu năm 2018 sẽ xây dựng được cho huyện một thương hiệu gạo sạch đạt chuẩn VietGAP.
Do vậy, huyện rất cần các sở, ngành, các nhà khoa học giúp tìm ra được một bộ giống chất lượng, có giá trị cao và chịu được một số loại sâu bệnh chủ yếu.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Mai, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh cho rằng: Bộ giống lúa truyền thống bao gồm LT2, Bắc thơm 7, BT09, Nếp đã sản xuất nhiều năm, dần bị thoái hóa, sâu bệnh nhiều, năng suất giảm.
HTX có truyền thống làm cây vụ đông nên bà con xã viên luôn mong muốn có được bộ giống lúa mới để thay thế làm sao vừa đảm bảo chất lượng, vừa ngắn ngày (thời gian sinh trưởng chỉ dao động trong khoảng 105-110 ngày là hợp lý) để chúng tôi có thể sản xuất được 2 vụ lúa, 1 vụ đông, năng cao thu nhập.
VAAS16 (ĐS3), BT09 - ưu điểm vượt trội
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tế sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng có giá trị kinh tế cao cho tỉnh Ninh Bình". Mục tiêu cụ thể sẽ chọn ra từ 2-3 giống lúa chất lượng, có năng suất vụ đông xuân đạt từ 60-65 tạ/ha và vụ mùa là 55-60 tạ/ha.
Đồng thời xây dựng phương thức canh tác cho từng giống lúa đã được tuyển chọn. Bộ giống lúa bao gồm 10 giống: LH12, BT09, GL159, AIQ 1102, PC26, Tám thơm Tràng An, Tám dự đột biến, VAAS16 (DDS3), J01, Bắc thơm 7 đã được đưa vào tuyển chọn. Các mô hình thử nghiệm được triển khai trên nhiều chân đất khác nhau ở 3 huyện Kim Sơn, Yên Khánh và Hoa Lư, đồng thời áp dụng nhiều công thức phân bón khác nhau cho từng giống. Bà con trực tiếp theo dõi, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật...
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt sau khi tham quan mô hình đánh giá: 2 giống mới VAAS16 (ĐS3), BT09 có độ thuần khá, phát triển đồng đều, hạt mẩy, tỉ lệ lép ít, chưa thấy xuất hiện bạc lá trên các thửa mô hình, sâu bệnh không đáng kể. Cần tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của cây lúa ở các vụ tiếp theo, nhất là trong điều kiện thời tiết liên tục biến đổi như hiện nay.
Nhiều nông dân tham gia cấy thử nghiệm 2 giống lúa này cho biết: Giống dễ làm, ngay từ khâu làm mạ, gieo cấy đã khá thuận lợi, tỷ lệ nảy mầm tốt, cây mạ cứng dễ cấy, lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, sâu bệnh hại cũng rất ít. Số lần phun thuốc BVTV giảm 1-3 lần so với các giống lúa truyền thống.
Ông Trần Văn Khảo, xóm 2, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn chia sẻ: Đối với người nông dân chúng tôi thì chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và năng suất cuối vụ là những yếu tố quan trọng hơn cả. BT09 và VAAS16 hơn hẳn các giống mà tôi thường cấy, năng suất cao hơn khoảng 10%, chi phí giảm từ 30-50 nghìn đồng/1 sào do giảm được số lần phun thuốc, giảm lượng phân bón. Tính ra hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn các giống cũ.
Thạc sỹ Nguyễn Thu Trang, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Chủ nhiệm đề tài cho biết, giống VAAS16 có thời gian sinh trưởng 130 - 135 ngày (vụ đông xuân) và 105 - 108 ngày (vụ mùa). Đây là giống chịu lạnh khá tốt, chống chịu sâu bệnh tốt hơn những giống đang được bà con sử dụng đại trà.
Chiều cao cây từ 100 - 105cm, đẻ nhánh khá, thân khỏe chống đổ tốt, có chất lượng gạo ngon, hạt bầu, cơm dẻo, vị đậm phù hợp cho sản xuất hàng hóa, năng suất trung bình từ 55 - 63 tạ/ha.
Trái lại, giống BT09 lại có ưu điểm ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 118 - 125 ngày (vụ đông xuân), 98 - 102 ngày (vụ mùa) phù hợp cho gieo trồng 2 vụ lúa 1 vụ màu. Năng suất của giống này đạt 57- 63 tạ/ha. Đặc biệt, hạt dài, trong, cơm có mùi thơm nhẹ, dẻo và có vị đậm.
Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình khẳng định: Đề tài được Sở triển khai nhằm mục tiêu tổng quát là tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng có giá trị cao đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tiếp tục mở rộng khảo nghiệm các giống lúa này ở nhiều chân đất và địa bàn khác nhau, đồng thời hoàn thiện quy trình canh tác cũng như có những đánh giá sâu hơn về khả năng chống chịu sâu bệnh của giống.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối với một số doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản, trước mắt là Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đưa các giống này vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gạo hàng hóa.
Hà Phương