Tạo cơ hội cho lãi vay thấp hơn
Quyết định số 498/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 1,2%/năm hiện nay xuống 1%/năm; giảm trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 7%/năm xuống 6%/năm (riêng các Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn đến hết quý I đạt 21.686 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,3% so với quý trước.
Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá: "Việc điều chỉnh lãi suất nói trên là dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô, gắn với khả năng kiểm soát, điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ của Nhà nước trong từng thời kỳ. Việc NHNN quyết định giảm các mức lãi suất đợt này cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đặc biệt ở các dự án mang lại hiệu quả, tạo ra mối liên kết hỗ trợ của cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Với mức lãi suất như hiện nay, Ngân hàng đang thực hiện chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngày 19-3-2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Hiện lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng tối đa là 1%/năm; lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng phổ biến ở mức 5,7%/năm, thấp nhất là 5%/năm, cao nhất là 6%/năm; lãi suất tiền gửi từ 6 đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 7%/năm, thấp nhất là 6,0%/năm, cao nhất là 8,3%/năm; lãi suất tiền gửi trên 12 tháng phổ biến ở mức 8%/năm, thấp nhất là 6%/năm, cao nhất là 9,5%/năm.
Với mức lãi suất tiền gửi này, lãi suất cho vay đã đồng loạt giảm tại các Ngân hàng và tổ chức tín dụng trong tỉnh. Hiện nay, lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-10,5%/năm. Đối với vốn vay ngắn hạn, thấp nhất là 4%/năm, cao nhất 15%/năm và đối với trung và dài hạn là 11-12%/năm, thấp nhất là 5%/năm, cao nhất là 17,6%/năm.
Gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả
Ngay sau khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động, cho vay bằng VNĐ và USD tại các chi nhánh, Phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm của BIDV trên toàn quốc. Theo đó, đối với lãi suất huy động áp dụng trần lãi suất tối đa là 5%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm, tương ứng cho các kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 2 tháng, từ 3 đến 5 tháng, từ 6 đến 11 tháng và trên 12 tháng. Đối với lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.
Tại Sacombank cũng áp dụng mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng, với số tiền gửi trên 50 triệu đồng lãi suất là 5,8%/năm. Kỳ hạn 2 và 3 tháng lãi suất tại Sacombank là 5,7%/năm với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, trên 50 triệu đồng lãi suất là 6%/năm.
Biểu lãi suất của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng điều chỉnh các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%, kỳ hạn từ 1 - 2 tháng là 5,8%, kỳ hạn từ 3 - 6 tháng là 6%.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc giảm lãi suất huy động sẽ không có tác động nhiều đến huy động vốn. Bởi lẽ, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, chỉ cắt giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, do vậy, lãi suất kỳ hạn dài hạn sẽ hấp dẫn khách hàng hơn và nhiều người sẽ chuyển từ kỳ hạn ngắn hạn sang dài hạn. Và như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nguồn vốn ngân hàng ổn định hơn.
Thực tế cũng cho thấy, trước đó, việc huy động vốn của các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vay vốn thì từ đầu năm đến nay huy động vốn trên địa bàn đáp ứng 65% tổng dư nợ cho vay. Như vậy, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng không làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Còn theo nhiều khách hàng, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, lãi suất huy động dù có cắt giảm nhưng họ vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng vì sự an toàn của tiền đồng mà họ đang nắm giữ. Ông Nguyễn Văn Khánh, một cán bộ về hưu ở thành phố Ninh Bình cho biết: "Lãi suất bị cắt giảm 1% không phải là lớn, tuy nhiên tôi cũng sẽ xem xét và chuyển sang gửi ở kỳ hạn dài để tăng thêm lợi nhuận. Hiện tại, tôi đang tìm hiểu xem lãi suất ngân hàng nào cao hơn ở kỳ hạn dài để chuyển".
Theo ông Phạm Ngọc Ánh, với các điều kiện của thị trường hiện nay, việc kiểm soát lạm phát được thực hiện tốt và kinh tế vĩ mô ổn định, có dấu hiệu từng bước vượt qua khủng hoảng thì các mức lãi suất huy động mới này vẫn khuyến khích được người dân gửi tiền vào ngân hàng, do đó việc huy động vốn của các ngân hàng sẽ không bị tác động lớn.
Ông nói: "Trong khi các kênh đầu tư khác như vàng và bất động sản đang trầm lắng và tiềm ẩn nhiều rủi ro thì việc gửi tiền đồng vào ngân hàng vẫn là an toàn và hiệu quả, góp phần làm ổn định nguồn tiền gửi và tiền gửi sẽ được các ngân hàng cho vay đưa ra thị trường phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 giảm 0,67% so với tháng trước thì việc lãi suất tiền gửi giảm 1%, xuống 6%/năm thì người dân gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lãi và ít chịu rủi ro".
Với mức tăng trưởng tín dụng huy động như hiện nay, ông Phạm Ngọc Ánh cũng nhận định: "Khả năng đạt mục tiêu huy động vốn tăng trưởng từ 18-20% của ngành Ngân hàng Ninh Bình sẽ đạt và vượt kế hoạch".
Bảo Yến