Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái bằng khang trang là anh Trần Quang Khợi (anh trai Tiến). Anh Khợi cho biết: Nhà tôi có 3 anh em, anh cả và em út là Trần Quang Tiến đều đang thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng nơi đảo xa. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Khợi cho biết, em Bắc (vợ của thiếu úy Trần Quang Tiến) đi làm chưa về. Cũng tội, cưới nhau được 4 năm rồi, thế mà thời gian vợ chồng nó ở gần nhau chỉ có thể đếm bằng ngày, mới chỉ có 1 lần được cùng nhau đón Tết. Nhưng chưa lần nào Bắc than thở, trách móc. Bắc làm kế toán ở một Xí nghiệp gạch tận Nho Quan, cách nhà chừng 15 km. Dù đã có nhà riêng, song thương mẹ, ngày nào Bắc cũng tranh thủ về nhà để ăn cùng mẹ bữa cơm trưa. Dù không nói ra, nhưng gia đình tôi hiểu, Bắc luôn cố gắng mang niềm vui cho mẹ lúc tuổi già...
Trong lúc chờ Bắc về, anh Khợi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về người em trai mà anh yêu quý. Ngay từ nhỏ, Tiến đã có tiếng là chăm học. Tiến nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Gia đình tôi tuy còn khó khăn, song trước sự ham học của em Tiến, cả nhà đều tạo điều kiện cho em thực hiện ước mơ. Thế nhưng, năm 2001, khi đang chuẩn bị hồ sơ dự thi vào đại học, Tiến nhận được giấy gọi nhập ngũ. Tạm gác ước mơ vào giảng đường đại học, Tiến hăng hái khoác áo lính đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Đêm trước ngày tiễn Tiến lên đường nhập ngũ, cả nhà không sao ngủ được vì thương con, thương em sức vóc nhỏ bé liệu có chịu nổi sương gió, vất vả nơi thao trường? Trái ngược với tâm trạng của gia đình, Tiến tỏ ra rất vui và tự hào. Tiến nói: vào quân đội là cơ hội để con được học tập, rèn luyện, được phấn đấu hoàn thiện mình.
Đúng như lời hứa trước lúc lên đường, Tiến không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong những cánh thư gửi về đều đặn, Tiến kể cho gia đình nghe về những vất vả lúc tập luyện, nỗi buồn nhớ nhà… nhưng chính những khó khăn đó đã hun đúc trong Tiến một ý chí, một tinh thần bền bỉ. Nhờ phấn đấu tốt, lập được nhiều thành tích, Tiến được đơn vị tin tưởng cử đi học lớp Báo vụ. Nhận được tin vui này, bố mẹ Tiến lặn lội lên tận đơn vị thăm và chúc mừng con. Sau nhiều ngày xa cách, nhìn thấy con mà trào nước mắt. Đó không chỉ là những giọt nước mắt nhớ thương, mà còn là giọt nước mắt hạnh phúc. Tiến đã trưởng thành từ thể chất tới tác phong, bản lĩnh.
Hoàn thành chương trình học ở lớp Báo Vụ với thành tích xuất sắc, năm 2008, Tiến nhận nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày đầu ra đảo, đối diện với biết bao khó khăn song với bản lĩnh của người lính trẻ cùng với tình yêu, sự khích lệ của cô thôn nữ ở quê nhà đã tiếp thêm cho Tiến sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Năm 2011, tình yêu ấy của Tiến đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị, đầm ấm. Hạnh phúc được nhân lên gấp bội, khi tròn năm sau ngày cưới, vợ chồng Tiến được đón cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. "Ngày Bắc sinh con, Tiến không về được. Một mình "vượt cạn", song Bắc đã thật mạnh mẽ, can đảm. Em ấy còn lạc quan: vì em là… vợ lính mà"- anh Khợi xúc động nhớ lại.
Chúng tôi đang dở câu chuyện thì chị Bắc đi làm về. Vừa mải mốt chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà, chị Bắc vừa tâm sự: Trước khi cưới nhau, anh Tiến đã là chàng lính đảo, bởi vậy em cũng xác định trước những thiệt thòi khi chấp nhận làm vợ lính. Lâu dần, em nghĩ đó không phải là những thiệt thòi, mà là niềm tự hào vô bờ bến bởi gia đình em đã có một tình yêu lớn ở đảo xa. Hơn nữa, những vất vả đó chẳng là gì so với sự hy sinh của chồng em và các đồng đội. Năm ngoái, bố chồng em mất. Biết tin mà chồng em không thể về chịu tang bố được. Tuy vậy, em vẫn cảm nhận được ở nơi đầu sóng, chồng em đã nén đau thương, tựa vào đồng đội để đứng vững, chắc tay súng bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thương chồng, chị Bắc lại càng thêm mạnh mẽ để nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng. Chị bảo, bây giờ công nghệ hiện đại nên việc liên lạc giữa gia đình và chàng lính đảo cũng thuận tiện hơn. Chứ trước đây, thời còn yêu nhau, mọi liên lạc giữa hai người phải chờ vào cánh thư, hàng tháng trời mới nhận được.
Tiếng chuông điện thoại chợt reo vang cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Giọng Bắc vui hẳn: Điện của anh Tiến đấy. Sau những lời dặn dò yêu thương dành cho chồng, chị Bắc dành cho chúng tôi chút thời gian để trò chuyện với chàng lính trẻ.
Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, thiếu úy Trần Quang Tiến cho biết, mặc dù xa đất liền cả ngàn cây số, song chưa bao giờ các anh cảm thấy cô đơn. Bên cạnh gia đình, quân và dân huyện đảo còn luôn nhận được những tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, đồng bào cả nước đã gửi đến các anh đủ hương vị của quê nhà như: gạo nếp, miến dong, tiêu, hành tỏi, măng khô, đậu xanh, lợn, bia, bánh mứt… và ý nghĩa hơn nữa là đồng bào đất liền còn gửi đến các anh những món quà đậm tình yêu thương, ruột thịt ấy là những cánh thư chan chứa tình yêu, niềm hy vọng.
Thiếu úy Trần Quang Tiến nhấn mạnh: Những nghĩa tình ấy của đất liền đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, ý chí để thêm chắc tay súng, bền chí, bền lòng, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân huyện đảo bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Đào Hằng