Công trường lớn Chúng tôi có mặt trên tuyến QL1A vào những ngày cuối cùng của thời hạn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Dọc tuyến đâu đâu cũng diễn ra cảnh tấp nập, khẩn trương. Người dân thì tháo dỡ nhà cửa, tài sản kiến trúc để GPMB; các mũi thi công cũng khẩn trương hoàn thành những hạng mục theo dự kiến. Đường điện, đường nước cũng được các ngành chức năng gấp rút di chuyển để trả mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tại thị xã Tam Điệp, cách đây hơn một tháng, các điểm thi công trên tuyến còn ngổn ngang, bề bộn sỏi, đá, bê tông… nhưng nay, hình hài một con đường mới khang trang, rộng rãi đã hiện ra trước mắt.
Chúng tôi gặp anh Trần Đức Trường, Giám đốc Ban quản lýDự án nâng cấp, mở rộng QL1A khi anh đang trên công trường, gương mặt rám nắng, mồ hôi lã chã, anh nói: Cả hai tháng nay, anh em trong Ban phải đồng hành cùng với nhà thầu, ra công trường trực tiếp chỉ đạo thi công và phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB. Đặc biệt, trong thời gian này, chúng tôi tăng ca làm cả đêm, tập trung hết nhân lực, máy móc để đảm bảo đúng tiến độ mà tỉnh đã đề ra.
Đến nay, nhà thầu đã thi công nền đường trên toàn tuyến, khối lượng đắp nền ước đạt 74%; thi công cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu đạt trên 50%; thi công hoàn thiện 1/2mặt đường bê tông nhựa toàn tuyến; hoàn thành 100% cống hộp thoát nước dọc tuyến …
Được biết, Ban quản lý dự án không chỉ có trách nhiệm quản lý, đôn đốc đơn vị thi công và còn trực tiếp làm dân vận đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài việc giải thích chế độ, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ GPMB, còn phải phân tích tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án.
Anh Trường chia sẻ: Điều thực sự đáng mừng là gần 2 năm nay chúng tôi làm, gần như không có hộ dân nào phản đối. Họ còn giúp chúng tôi cảnh báo nguy hiểm khi nhà thầu thi công dở dang. Tôi chỉ mong sớm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phục vụ dân sinh.
Dẫn chúng tôi đi thăm các điểm quan trọng trên tuyến,anh Trần Đức Trường cho biết: Thời gian qua, Bộ Giao thông-Vận tải, UBND tỉnh và các địa phương có dự án đi qua đã vào cuộc quyết liệt. Chưa khi nào không khí lao động lại khẩn trương và hiệu quả như giai đoạn hiện nay. Ngay cả những "nút thắt" khó nhất như công tác GPMB ở phố Mía Đông, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình cũng đã cơ bản được giải quyết. Hiện chỉ còn 2 hộ chưa nhận tiền đền bù nhưng tất cả đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sạch phục vụ cho đơn vị thi công theo đúng thời gian quy định là 30-5. Ngày 28-5, thành phố cũng đã bàn giao mặt bằng tổ chức thi công lòng đường, rãnh dọc, đường nước sinh hoạt đoạn 186m phố Mía Đông, phường Ninh Khánh.
Điều đáng ghi nhận, trong số 4 địa phương bị ảnh hưởng của dự án, huyện Gia Viễn được đánh giá cao vì là đơn vị về đích sớm nhất. Đến nay, Hội đồng GPMB đã bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu theo đúng thời gian quy định. Khi chúng tôi đến khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án phải GPMB của huyện Gia Viễn, chứng kiến các hộ dân nơi đây đang khẩn trương tháo dỡ tài sản, vật kiến trúc, không có hộ dân nào cố tình gây khó khăn, chây ỳ sau khi đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
Ông Hải, một hộ dân ở chân cầu Gián Khẩu hồ hởi nói: Làm xong đường nhà tôi sẽ đẹp hơn, sạch hơn, buôn bán cũng thuận tiện hơn. Lợi ích như vậy tại sao chúng tôi lại phải chống đối? Xóm, phố chúng tôi đã họp rồi, ai cũng nhất trí cao. Dự án thi công đến đâu chúng tôi sẽ tự tháo dỡ tài sản của gia đình mình đến đó, chúng tôi sẽ tự giác chấp hành, chỉ mong các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm ở những điểm đi qua khu dân cư, chứ công trình kéo dài cả năm thì người dân chúng tôi vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt vừa không làm ăn buôn bán gì được.
Những "nút thắt" cần tháo gỡ.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân thuộc huyện Hoa Lư, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng GPMB các huyện, thành phố, thị xã thực hiện đúng cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước, trong đó chú ý vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân dân, không để người dân bị thiệt thòi, đảm bảo công bằng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Ban chỉ đạo tiến độ dự án giao thông của tỉnh nói: Có những gia đình từ bao đời nay đã sống, lập nghiệp trên mảnh đất quen thuộc, có nghề nghiệp ổn định, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, nhưng do việc mở rộng đường nên họ phải di dời đến nơi ở mới. Đã có nhiều gia đình nhận tiền hỗ trợ đền bù chưa tương xứng với giá trị tài sản, công sức đã bỏ ra nhưng do được tuyên truyền, vận động, các hộ đã ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án nên đã tự nguyện di chuyển để có được công trình giao thông trên QL1A thông suốt. Đó là sự hy sinh rất đáng quý cần được các địa phương biểu dương, khen thưởng.
Bên cạnh đó cũng có những gia đình vốn trước đây đã được hỗ trợ đền bù rồi nhưng vẫn còn đòi thêm, có trường hợp đòi hỏi đền bù với giá cao, trong khi quy định hiện hành của Nhà nước không cho phép đáp ứng được. Đến nay, thành phố Ninh Bình còn 2 hộ chưa nhận tiền là hộ ông Đinh Văn Thành và Trương Văn Thành, phố Mía đông, (Ninh Khánh). Tại huyện Hoa Lư còn 2 hộ chưa nhận tiền đền bù là hộ ông Lê Quang Ân (thị trấn Thiên Tôn); hộ bà Nguyễn Thị Loan (xã Ninh Giang) và 3 hộ chưa tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng là hộ ông Vũ Văn Trung (thị trấn Thiên Tôn); hộ bà Đinh Thị Thơ và ông Lâm Quang Thực (xã Ninh Giang). Tại thị xã Tam Điệp, một số hộ dân đã nhận tiền nhưng việc di chuyển tháo dỡ của các hộ rất chậm. Bên cạnh đó, mặt bằng thi công còn đang vướng một số công trình công cộng như đường điện dân sinh, đường nước sinh hoạt và hệ thống camera giám sát giao thông. Như vậy, công tác GPMB đã đi được một chặng đường dài, song những gì còn lại chưa giải quyết được thực sự là những "nút thắt" cần tập trung để tháo gỡ với những giải pháp vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa cương quyết, cứng rắn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng: Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo ngày 30-5 là hạn cuối cùng các Hội đồng GPMB địa phương phải bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công nhưng đến nay trên toàn tuyến vẫn còn một số hộ vẫn cố tình chây ỳ, chống đối do chưa đồng ý phương án đền bù, hỗ trợ GPMB của các địa phương. Ban chỉ đạo của tỉnh sẽ xem xét để có thể "nới" thêm một thời gian ngắn cho các địa phương tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục và tổ chức đối thoại cá biệt đối với những hộ trên. Nếu như đã vận dụng hết các cơ chế, chính sách có lợi cho dân, đã thuyết phục, tuyên truyền nhưng còn hộ dân nào cố tình chống đối thì các địa phương sẽ tiến hành bảo vệ thi công, hoặc cưỡng chế GPMB.
Đồng chí cũng đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương chú trọng tuyên truyền về cưỡng chế, vì không thể né tránh vấn đề này. Chính quyền các địa phương cũng cần phối hợp với các ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục để thực hiện cưỡng chế khi đủ điều kiện. Bên cạnh đó phải triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn thi công; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành đền bù, bàn giao mặt bằng; quyết tâm hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, từ đó tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án nâng cấp QL1A.
Nguyễn Thơm