Chung sức vì cuộc sống cộng đồng
Nhằm huy động sức trẻ tham gia đảm nhận việc mới, việc khó, các cấp bộ Đoàn đã triển khai phong trào "Tuổi trẻ Ninh Bình chung tay xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị". Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã huy động ĐVTN tham gia đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phối hợp với lực lượng chức năng tham gia bảo đảm an ninh trật tự vùng nông thôn.
Năm 2018, tuổi trẻ toàn tỉnh đã xây dựng 273 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng; sửa chữa 61 km đường giao thông nông thôn; bê tông hóa 18,9 km đường giao thông; vận động hơn 1.800 ngày công tham gia nạo vét, đào đắp gần 4.100m3 kênh mương; khơi thông 51,2 km dòng chảy, xây dựng 19,2 km thủy lợi nội đồng; lắp đặt và sửa chữa 50 km đường điện "Thắp sáng đường quê" trị giá trên 1 tỷ đồng.
Các hoạt động chung tay xây dựng văn minh đô thị được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức thường xuyên thông qua việc duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự đô thị.
Các tổ chức Đoàn đã đăng ký đảm nhận và thực hiện tuyến đường "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn", tuyến đường văn minh; ra quân vệ sinh môi trường và bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép; thu gom đất đá, vật liệu xây dựng, rác thải, trồng và chăm sóc công trình đoạn đường hoa trên tuyến đường thanh niên; thường xuyên chỉnh trang khuôn viên các địa điểm sân chơi, bãi tập cho thanh, thiếu nhi.
Năm 2018, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 159 hoạt động tham gia xây dựng văn minh đô thị, thu hút 7.500 ĐVTN tham gia đóng góp 5.256 ngày công để dọn dẹp vệ sinh, bóc xóa trên 42 km đường có quảng cáo, rao vặt trái phép dán, in trên các cột điện, tường công cộng..., góp phần làm sạch đẹp các tuyến đường, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh trong các tầng lớp nhân dân.
Chung sức vì cuộc sống cộng đồng, tuổi trẻ Ninh Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực tham gia đảm bảo an sinh xã hội như: huy động sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để tạo điều kiện giúp đỡ thanh, thiếu nhi và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cấp bộ Đoàn đã quyên góp kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 20 ngôi nhà nhân ái với trị giá gần 2 tỷ đồng và hơn 3.000 ngày công cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cải tạo vườn tạp, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; huy động 8.235 ĐVTN đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện và đã thu được 5.500 đơn vị máu phục vụ cứu chữa người bệnh…
Đặc biệt, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa" của dân tộc, trong nhiều năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh và người có công.
Trong năm 2018, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 1.691 suất quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ với tổng số tiền gần 700 triệu đồng; tổ chức 43 chương trình khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho trên 3.000 đối tượng chính sách trị giá 625 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 8 nhà tình nghĩa cho các đối tượng gia đình chính sách tổng trị giá 300 triệu đồng và hơn 2.000 ngày công tình nguyện..., góp phần quan tâm, chia sẻ, cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn chính sách người có công.
Xung kích, sáng tạo trong lập thân, lập nghiệp
Nhằm thu hút và thúc đẩy tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở Đoàn tập trung xây dựng các mô hình để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. ở nhiều địa phương, đơn vị... tổ chức Đoàn đã làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích, thi đua trong lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề, tham gia cải cách hành chính.
Đặc biệt, với phương châm, mỗi tổ chức Đoàn phải có một mô hình, công trình cụ thể trong hoạt động xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực đảm nhận các phần việc mới, việc khó và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác.
Hiện toàn tỉnh có 247 mô hình thanh niên làm kinh tế, 16 tổ hợp tác, Hợp tác xã do thanh niên làm chủ tập trung vào các ngành nghề như: mây tre đan, cói, may mặc, đá mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, cây ăn quả, rau sạch... Các mô hình phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Để tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các hoạt động "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", ưu tiên chú trọng lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo; khai thác các nguồn vốn vay giúp thanh niên phát triển kinh tế, học nghề, lập nghiệp. Hiện nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn là 2,8 tỷ đồng; dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn thanh niên quản lý đạt trên 240 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn, nhiều thanh niên đã có điều kiện hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, đầu tư mở rộng mô hình, bước đầu đem lại những thành công nhất định. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn tích cực tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề...
Năm 2018, toàn tỉnh tổ chức được 25 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 1.297 ĐVTN; phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho 21.100 thanh niên, học sinh; tổ chức dạy nghề cho 1.594 đoàn viên, thanh niên tập trung vào các ngành nghề truyền thống của địa phương, qua đó đã có 856 đoàn viên, thanh niên được giới thiệu việc làm.
Chung sức tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội mà ở đó tuổi trẻ Ninh Bình có cơ hội để rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Họ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ đất Cố đô, trở thành đội quân xung kích, sẵn sàng đảm nhận những việc khó, việc mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Minh Ngọc - Trần Đức