Những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi về thăm xã Ninh Giang - địa phương đầu tiên của huyện Hoa Lư được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ở nơi đây thật sự thay da đổi thịt. Để có được kết quả này, không thể không nhắc đến sự đoàn kết, chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.
Trước đây, trục đường vào thôn Trung Trữ rất hẹp, lại không thẳng, bề ngang chỉ rộng hơn 2m. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trục đường vào thôn đã được đổ bê tông, mở rộng, uốn thẳng. Đặc biệt để làm được đoạn đường liên thôn xóm Tây dài 3,5 km, 4 hộ trong xóm đã tình nguyện hiến hàng chục mét vuông đất. Thấy gia đình bà Vũ Thị Xuyến (xóm Tây, thôn Trung Trữ) tình nguyện hiến đất, các hộ còn lại cùng noi gương bà Xuyến, tháo dỡ tường rào, hiến đất để làm đường. Đồng thời tham gia góp công làm đường. Điều đáng nói là những hộ hiến đất như gia đình bà Vũ Thị Xuyến, cụ Bùi Thị ý, ông Vũ Văn Đôn, bà Vũ Thị Truy đều thuộc diện hộ nghèo.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, chị Vũ Thị Vinh (con gái cụ Bùi Thị ý) cho biết: "Khi cấp ủy, chính quyền xã đặt vấn đề việc mở rộng đường thôn cần phải nới rộng lấn vào diện tích đất vườn và một phần công trình phụ của gia đình, tôi cũng rất băn khoăn, vì đây là đất hương hỏa cha ông để lại, mẹ tôi tuổi cao, già lẫn nên không xin ý kiến cụ về việc này được. Là con gái, các anh em lại công tác xa nên tôi phải gọi điện bàn bạc thêm với các anh em. Tất cả mọi người đều rất ủng hộ việc hiến đất để mở rộng đường giao thông.
Trước tấm lòng của những hộ hiến đất, người dân xóm Tây bảo nhau tạm gác việc gia đình đến hỗ trợ các gia đình phá dỡ tường rào, xây tường, làm đường. Chỉ trong 10 ngày con đường của ý Đảng, lòng dân ở xóm Tây đã hoàn thành.
Chia tay xã Ninh Giang, chúng tôi về Yên Thắng - một xã miền núi của huyện Yên Mô. Yên Thắng là xã có khu du lịch hồ Yên Thắng, và sân golf Hoàng Gia. Vì vậy, tuy là đất miền núi nhưng giá đất ở đây cũng cao hơn so với các vùng khác, ấy vậy mà nhiều hộ dân của thôn Cầu Cọ đều tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông dài 2,4 km, với chiều rộng 5m trải dài từ xóm 3 lên hồ Yên Thắng.
Công đầu trong việc hiến đất làm đường liên thôn đây phải nói đến tinh thần tự nguyện của gia đình cựu chiến binh Đỗ Văn Thám. Không chỉ hiến đất, gia đình ông Thám còn tự nguyện cắt hơn 100 m2 đất vườn, tự bỏ công sức phá dỡ tường rào, cũng như toàn bộ chi phí để xây đoạn đường bao. Được biết, bản thân ông Đỗ Văn Thám đã từng nhiều năm tham gia đánh Mỹ, nay sức khỏe giảm sút, thu nhập trong gia đình chủ yếu dựa vào cấy lúa. Ông Thám tâm sự: "Nhà nước phát động làm đường giao thông, việc làm của gia đình tôi không chỉ vì lợi ích chung của cộng đồng, mà vì cả lợi ích của chúng tôi. Đường được mở rộng, người dân đi lại thuận tiện, trẻ em đi lại cũng không lo ngã do đường đất đồi trơn trượt nữa rồi".
Trước tấm gương của gia đình cựu chiến binh Đỗ Văn Thám, hai hộ gia đình khác là gia đình ông Phạm Văn Lộc và gia đình bà Đinh Thị Chiến cũng hiến 50m2 đất. Nhờ vậy, đường đồi mùa mưa thì trơn trượt lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm đã được thay thế bằng con đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi, giúp người dân thuận tiện trong đi lại và giao thương.
ở Kim Đông - một xã ven biển còn nhiều khó khăn của huyện Kim Sơn vừa được vinh dự đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới những ngày đầu năm 2015 là niềm vui chung của người dân nơi đây. Trong niềm vui này, người dân ở xóm 3 xã Kim Đông đều nhắc đến gia đình chị Vũ Thị Liễu - người đầu tiên trong xã tình nguyện hiến toàn bộ diện tích đất nhà ở, công trình phụ và vườn cây hơn 900 m2 để xây dựng nhà văn hóa xóm.
Ông Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết. "Xóm 3 có 96 hộ, với khoảng 360 nhân khẩu. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, trải dài. Trước đây, xã quy hoạch xây nhà văn hóa xóm ở gần Trạm y tế nằm ở cách xa khu dân cư xóm 3, vì vậy việc chị Vũ Thị Liễu hiến đất để xây dựng nhà văn hóa ở vị trí gần trung tâm xóm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia hội họp và sinh hoạt".
Trong bộn bề của cuộc sống hôm nay vẫn hiện hữu những tấm gương, những con người bình dị, thầm lặng góp công sức làm đẹp cho những vùng quê thanh bình. Những việc làm ấy là một trong những nét đẹp tạo nên bức tranh quê khởi sắc. Điều đó cho thấy không phải xây dựng nông thôn mới là việc làm to tát, lớn lao mà bắt đầu từ chính ý thức của người dân, với những việc làm rất cụ thể, với tình yêu quê hương, làng xóm của mình.
Nguyễn Thủy