Qua các hoạt động truyền thông đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, thông qua các hoạt động truyền thông đã nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người thân của các đối tượng tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nắm bắt được các chính sách của Đảng, Nhà nước để tiếp cận dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Những năm gần đây, ngoài thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông đến cơ sở. Trong các buổi tập huấn, chúng tôi đặc biệt chú trọng hướng dẫn người dân về cách phòng tránh các nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tâm thần; phương pháp nhận biết, cách trợ giúp cũng như trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với công tác này. Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải, đó là khuyến khích mọi người dân hãy bằng hành động cụ thể tạo điều kiện tốt nhất để người tâm thần có thể hòa nhập với cộng đồng hoặc kết nối gia đình có người mắc bệnh tâm thần đến những địa chỉ trợ giúp có chuyên môn phù hợp hơn.
Ông Đỗ Xuân Đào ở thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Được tham dự lớp tập huấn "kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, tâm thần, người rối nhiễu tâm trí" do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh tổ chức, tôi đã có kiến thức cơ bản, kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đang sống tại cộng đồng. Đặc biệt, được nghe lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần tỉnh truyền đạt các nội dung về sức khỏe tâm thần, các nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần, các giai đoạn tiến triển của bệnh và cách chăm sóc, điều trị người bệnh... đây là những thông tin rất bổ ích đối với tôi và gia đình. Tôi đã thấy tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề của gia đình mình.
Trước đây, việc phát hiện bệnh, tư vấn chuyển gửi bệnh nhân đi khám tại trạm y tế xã hay việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ, hướng dẫn gia đình bệnh nhân trong việc tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh thường do nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên y tế thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, với sự trợ giúp của đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội các cấp, nhất là cấp xã, nhiều người tâm thần và gia đình người mắc bệnh tâm thần đã được lập kế hoạch trợ giúp hoặc kịp thời kết nối dịch vụ trợ giúp phù hợp. Chính từ việc mở rộng, đa dạng hóa các hình thức bảo trợ người tâm thần đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhiều người tâm thần nặng, lang thang có hành vi gây nguy hiểm được tiếp nhận vào quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Bà Trần Thị Là ở thôn Mỹ Hợp, xã Kim Mỹ (Kim Sơn) cho biết: Thông qua các cán bộ của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh và qua các cộng tác viên công tác xã hội, tôi đã biết thêm về một số chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và người tâm thần nói riêng. Những chính sách đó thực sự rất cần thiết đối với gia đình chúng tôi, giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.
Theo số liệu khảo sát, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 4 nghìn người tâm thần, trong đó trên 92% đối tượng đang được các gia đình, người thân chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 19 lớp kỹ năng nhận biết, can thiệp, hỗ trợ tâm lý đối với người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần cho 1.880 người là cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện; trạm trưởng trạm y tế các xã, phường, thị trấn, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, người trong gia đình có người rối nhiễu tâm trí, tâm thần..., qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, trang bị cho họ những hiểu biết nhất định về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Sự vào cuộc tích cực của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở trong việc điều trị những rối loạn về tâm thần là một trong những yếu tố quan trọng xóa bỏ những thành kiến đối với người bị bệnh, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để giúp họ ổn định cuộc sống, làm tốt công tác quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Bài, ảnh Minh Ngọc