Công trình cấp nước sạch tập trung Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) được Trung tâm tiếp nhận đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhận được phản ứng tích cực từ phía người dân. Chị Vũ Thương Huyền, thôn Đồi Thờ, xã Quỳnh Lưu phấn khởi chia sẻ: Năm 2007, gia đình tôi đã lắp đặt đường ống, đồng hồ nước và sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước do Nông trường Quỳnh Sơn quản lý. Tuy nhiên, từ những năm đầu sử dụng, chúng tôi thấy chất lượng nước quá kém, nước đục và có mùi tanh. Tình trạng này xảy ra nhiều năm làm người dân ở đây rất bức xúc, nhiều hộ đã cắt không sử dụng nước từ Nông trường và quay lại dùng nước giếng. Đến năm 2014, Trạm cấp nước tập trung Quỳnh Sơn được giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, sửa chữa, chất lượng nước được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, nước đã được lắng lọc, xử lý sạch sẽ, không còn mùi tanh và gia đình tôi rất yên tâm khi sử dụng. Cũng cùng tâm trạng với chị Huyền, bác Quách Lợi Tiến cho biết: Gia đình tôi và người dân rất vui và đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh khi giao Trạm cấp nước Quỳnh Sơn cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Gia đình tôi đã tự nguyện đầu tư lắp đặt đồng hồ mới, lắp đặt lại những đường ống dẫn vào nhà bị hư hỏng, ách tắc. Hơn chục năm sử dụng nước từ Trạm cấp nước Quỳnh Sơn, đến nay tôi mới thấy nước thực sự sạch sẽ.
Được biết, Trạm cấp nước sạch Quỳnh Sơn được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng năm 2000, có công suất thiết kế 800m3/ngày đêm và năng lực phục vụ trên 7.000 người. Sau khi đi vào hoạt động, Trạm được bàn giao cho Nông trường Quỳnh Sơn quản lý, khai thác, vận hành cung cấp nước cho nhân dân. Tuy nhiên, do năng lực quản lý kém, không quan tâm đầu tư, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng nên máy móc, thiết bị và đường ống dẫn nước bị hư hỏng nhiều. Dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo, tỷ lệ thất thoát cao, có thời điểm đạt tới 60-70%.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm tiếp quản và khắc phục nhanh chóng để cải thiện chất lượng nước cho nhân dân. Theo ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Vào thời điểm Trung tâm thực hiện công tác tiếp nhận, Trạm cấp nước Quỳnh Sơn ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hiệu quả hoạt động thấp, chất lượng nước không đảm bảo. Qua công tác kiểm tra cho thấy: Khu lắng lọc từ khi đi vào hoạt động đến nay đã qua 14 năm nhưng không được thay cát, vệ sinh; máy móc, các hạng mục công trình bị xuống cấp. Chất lượng nước không đảm bảo, tỷ lệ ecoli trong nước cao gấp 70 lần theo chuẩn cho phép.
Trạm cấp nước tập trung Quỳnh Sơn là một trong 24 công trình tỉnh giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình quản lý, khai thác và sử dụng theo Quyết định số 1085/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sau khi tiếp quản, Trung tâm đã tiến hành ngay công tác kiểm tra, rà soát lại toàn bộ máy móc, thiết bị và hệ thống đường ống dẫn nước để lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng.
Cùng với đó, Trung tâm đã kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu chủ trương và cùng Trung tâm tổ chức cải tạo, sửa chữa, lắp đặt đồng hồ mới. Được sự ủng hộ của nhân dân, công tác cải tạo, sửa chữa Trạm cấp nước Quỳnh Sơn đã cơ bản hoàn thành. Trạm đã đi vào vận hành và cung cấp nước sạch cho trên 300 hộ dân, tỷ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 40%. Chất lượng nước đảm bảo, đạt 14 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Cùng với Trạm cấp nước Quỳnh Sơn, Trung tâm đã tiếp quản, sửa chữa, vận hành Trạm cấp nước Quang Sơn (thị xã Tam Điệp). Trung tâm đã tiến hành sửa chữa một số hạng mục công trình như khu lắng lọc, chấn chỉnh công tác vận hành. Hiện nay, Trạm cấp nước sạch Quang Sơn đã đạt 83% công suất, chất lượng nước đảm bảo, tỷ lệ hao hụt 19-20% là tỷ lệ thấp trong toàn tỉnh.
Ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận, quản lý, sửa chữa, vận hành, khai thác 22 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do tỉnh giao cho. Với mỗi công trình, Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, dựa vào mức độ hỏng hóc của từng công trình để có kế hoạch, giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm sớm nâng cao chất lượng nguồn nước, giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.
Bài, ảnh: Hồng Giang