Một thời hoa lửa
Ông Phạm Ngọc Phiên, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình cho biết: Hơn 10 nghìn người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã có một thời sống, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tiến đường Trường Sơn, trực tiếp tham gia tất cả các lực lượng, quân binh chủng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn như làm nhiệm vụ giao liên, nuôi quân, thông tin, quân y, lái xe, công binh, bộ binh, pháo binh, sửa chữa xe cơ giới, bốc xếp hàng hóa, xây dựng tuyến đường ống xăng dầu... Chiến tranh gian khổ, ác liệt là vậy nhưng dù trong bất kỳ hoàn cản nào họ vẫn luôn giữ vững ý chí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu ngày đêm, góp phần đảm bảo giao thông suốt, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quế, nữ TNXP từng tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn cho biết: Cách đây 54 năm (năm 1965), tôi cũng như nhiều chị em TNXP Ninh Bình đã hưởng ứng kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tình nguyện lên đường xung phong vào Nam chiến đấu. Tôi được biên chế vào Đội TNXP N25.
Sau 3 tháng hành quân, chúng tôi đã tập kết tại tỉnh Khăm Muộn (Lào) để bổ sung cho tuyến 1- Đoàn 559. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ mở đường vận chuyển lương thực, vũ khí, chăm sóc thương binh, đào hầm, san lấp hố bom... 1 năm sau, Tư lệnh Đoàn 559 đã phân công Đội TNXP- N25 cùng với các lực lượng bộ đội công binh tham gia mở đường 20A - Quyết thắng. Các chiến sĩ đã ngày đêm không quản hi sinh, quên mình mở đường chiến lược xuyên qua núi rừng Trường Sơn hiểm trở, dưới mưa bom bão đạn của địch, cùng lực lượng Ngành giao thông và Bộ đội công binh làm nên những con đường chiến lược nối liền mạch máu giao thông nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.
Bà Quế xúc động nói: Chiến trường không chỉ khốc liệt bởi mưa bom, bão đạn mà những người lính Trường Sơn cũng như các thanh niên xung phong phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ của thiên tai. Bởi dãy Tây Trường Sơn một năm chỉ có 2 mùa mưa và nắng. 6 tháng mùa khô, cả dãy Tây Trường Sơn nắng nóng như chảo lửa, khói bay mù mịt. Mỗi lần xe chạy qua gần như không nhìn thấy mặt người.
Mùa nắng vất vả là vậy nhưng vào mùa mưa thì còn cực hơn bởi trời luôn đổ mưa không ngớt, tầm tã suốt 6 tháng liền. Những cơn mưa rừng cứ ào ào tràn về như thác nước, có khi cuốn trôi cả đoạn đường mà đơn vị vừa san lấp. Những ngày mưa, củi không có để đun nấu, các chiến sĩ phải ăn lương khô, gạo sấy... Những trận sốt rét rừng vì thế mà hoành hành.
Nhiều chị em bị rụng hết tóc, người gầy xanh như tàu lá..., nhiều người không chịu nổi đã đổ bệnh... Tuy vậy, với ý chí và lòng quyết tâm cao, các chiến sĩ nói chung, những chiến sĩ quê hương Ninh Bình nói riêng vẫn ngày đêm bám trụ, vượt qua mưa bom, bão đạn để đảm bảo cho giao thông trên đường Trường Sơn luôn được thông suốt.
"Các thế hệ chiến sỹ Trường Sơn là con em của quê hương Ninh Bình đã đóng góp công sức, trí tuệ, xương máu của mình xây nên truyền thống Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh huyền thoại và anh hùng, góp phần làm nên kỳ tích vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước"- ông Phạm Ngọc Phiên khẳng định. Kết thúc cuộc chiến tranh, Ninh Bình có hơn 8 nghìn đồng chí được tặng thưởng huân, huy chương các loại, 896 liệt sỹ Trường Sơn, 2.565 đồng chí là thương binh, bệnh binh; 1.324 đồng chí là nạn nhân chất độc da cam và 256 con bị nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Đậm sâu nghĩa tình đồng đội
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn nhiều người tiếp tục tham gia quân đội hoặc trở về địa phương. Và họ luôn là những người có mặt ở những nơi khó khăn để phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ Tổ quốc và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Ông Phạm Ngọc Phiên cho biết thêm: Nhằm phát huy truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và anh hùng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cán bộ, chiến sỹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, tháng 11 năm 1998, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn - Đường dây 559 tỉnh Ninh Bình được thành lập.
Năm 2015, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình được thành lập trên cơ sở từ Ban Liên lạc và tiến hành Đại hội đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đại hội bầu 21 đồng chí vào Ban chấp hành Tỉnh hội khóa I, thông qua quy chế hoạt động của Hội.
Gần 4 năm qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp như: Phong trào thi đua "Tỏa sáng Trường Sơn", "Dấu ấn Trường Sơn", "Chiến sỹ Trường Sơn làm theo lời Bác, sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống", "Chiến sỹ Trường Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới"... thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Hiện nay, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình đã thu hút và tập hợp được 2.594 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 115 tổ chức Hội cơ sở xã, phường, thị trấn và 6/8 huyện, thành phố. Hàng năm, các tổ chức cơ sở của Hội duy trì gặp mặt truyền thống, thăm tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng Tỉnh hội và Ban liên lạc nữ chiến sỹ Trường Sơn tỉnh tổ chức 4 cuộc hành quân cho hơn 500 lượt cán bộ, hội viên về nguồn thăm lại chiến trường xưa, tri ân các anh hùng, liệt sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ và ngày truyền thống "Bộ đội Trường Sơn". Những chuyến "về nguồn" như vậy đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi hội viên.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp nhau vượt qua khó khăn. Theo đó, đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự, Hội Cựu TNXP tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đề nghị giải quyết chế độ, chính sách cho chiến sỹ Trường Sơn theo Quyết định 142, Quyết định 62 của Chính phủ.
Kết quả đã có 3.672 người được hưởng trợ cấp 1 lần, 69 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, 871 người được hưởng chế độ thương binh, 425 người và con được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, 321 nữ TNXP Trường Sơn được hưởng trợ cấp 3,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây mới 68 nhà tình nghĩa với số tiền trên 3 tỷ đồng; vận động hội viên giúp đỡ ngày công xây dựng và ủng hộ trên 200 triệu đồng cho các hội viên xây nhà mới; vận động quỹ Thiện Tâm nuôi dưỡng 19 nữ chiến sỹ Trường Sơn đến hết đời.
Ngoài ra, Hội còn tích cực vận động hội viên ủng hộ xây dựng quỹ an sinh xã hội, đóng góp xây dựng nông thôn mới do tỉnh phát động được hơn 2 tỷ đồng. Vào dịp lễ, tết, ngày Thương binh, liệt sỹ hàng năm, Hội vận động các doanh nghiệp, hội viên hảo tâm ủng hộ bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng để tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng những việc làm cụ thể, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình đã góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên, khẳng định vai trò của tổ chức Hội, khơi dậy và phát huy truyền thống trung dũng, anh hùng và nghĩa tình của những người con đất Cố đô từng góp phần làm nên huyền thoại đường Tường Sơn- đường Hồ Chí Minh.
Minh Ngọc- Thùy Phương