Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm và được Google đặt tên là Google Public DNS. Google Public DNS được tạo ra nhằm cải thiện cho công nghệ phân giải DNS hiện nay có tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn nhằm chống lại các cuộc tấn công lừa đảo người dùng ghé thăm các trang web độc hại.
Để sử dụng Google Public DNS, người dùng sẽ phải thay đổi các thiết lập mạng để các yêu cầu của họ về website tới dịch vụ của Google chứ không phải đến nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) như hiện nay. Hơn nữa, Google cũng tạo ra một trang web với những hướng dẫn chi tiết cho người dùng về cách thiết lập này.
Theo Prem Ramaswami, nhà quản lý sản phẩm của Google Public DNS, việc công khai các chi tiết của công nghệ Google Public DNS là vì hãng muốn khuyến khích các nhà ISP và các nhà cung cấp phân giải DNS khác suy nghĩ để cải tiến cách thức của họ.
Theo Google, để làm cho khả năng phân giải DNS nhanh hơn, Google đã xây dựng một khối lượng lớn bộ nhớ đệm (cache) của các tên miền phổ biến. Những tên miền này liên tục được làm mới (refresh) và là tên miền mà người dùng hay yêu cầu. Còn những bộ phân giải DNS khác sẽ phải ra ngoài hệ thống và tìm thông tin khi chúng được yêu cầu. Do đó, ngay khi người dùng đặt câu hỏi, hệ thống sẽ có thể đáp ứng ngay lập tức cho họ.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về việc, hệ thống này có phải là cách để Google lưu giữ thêm nhiều dữ liệu của người dùng. Nhưng Ramaswami cho biết, Google Public DNS sẽ giữ lại các địa chỉ IP của người dùng cuối trong khoảng 48 tiếng đồng hồ trước khi xóa chúng. Hãng sẽ lưu trữ khoảng 2 tuần cho các dữ liệu chung chung như ISP và thành phố của người dùng.
Hơn nữa, Google sẽ không sử dụng lưu lượng dữ liệu Google Public DNS để bổ sung cho dữ liệu mà hãng thu thập từ người dùng trong các dịch vụ khác của hãng. Đây là cách để tăng tốc độ của web chứ không phải là để hãng thu thập được nhiều dữ liệu hơn.
Theo vnmedia.vn