6 giờ chiều, trên cánh đồng chuyên canh rau màu của thôn Phúc Khánh, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình, những người nông dân vẫn đang cần mẫn gánh từng xô nước để tưới cho từng luống rau, củ, quả của gia đình. Nhưng dù được tưới nước đầy đủ nhưng cây rau vẫn không thể phát triển bình thường, mọc thưa thớt, còi cọc, lá xoăn lại thậm chí cháy xém. Bà Trần Thị Luyến than thở: gia đình có 5 sào trồng các loại rau gia vị như húng quế, tía tô, hành, mùi nhưng nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích cây bị chết, những loại chịu hạn tốt hơn sống được nhưng năng suất cũng rất kém. Như luống mùi này tôi đã gieo giống nửa tháng nay, căng lưới đen che nắng, ngày 2 lần tưới nhưng cũng không lên được. Hôm nay, tôi phải dọn đi để cấy húng quế. Chẳng biết có lại được với ông giời không nhưng chẳng lẽ lại bỏ ruộng hoang.
Vừa thu hoạch xong 4 sào lạc xuân, ông Ninh Văn Tuấn lựa chọn cây ngô để tiếp tục trồng trong vụ mùa này. Ông cho biết: Không thể đợi trời mưa mới gieo hạt vì như vậy sẽ không kịp thời vụ. Vì vậy, tôi chọn cách khoét lỗ, tưới nước xong tra hạt, lấp đất. Sau đó, cứ 2 ngày lại phải xách nước tưới 1 lần. Dù vậy, ngô vẫn sinh trưởng phát triển rất chậm.
Riêng các trang trại trồng cây ăn quả có múi như cam, bưởi ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cây đang ở giai đoạn nuôi quả, nhưng một số chủ vườn phản ánh đã có hiện tượng quả bưởi, cam bị cháy nắng, thối và rụng, mặc dù phần lớn quả đã được bao bằng túi chuyên dụng. Tại thành phố Tam Điệp, thủ phủ của cây dứa, một loại cây trồng chịu hạn rất tốt nhưng nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng của quả dứa. Hơn 1 tuần nay, ngày nào anh Trần Văn Thạch, xã Quang Sơn cũng phải ra đồng từ 4 giờ sáng để bó dứa. Anh chia sẻ: cây dứa chịu hạn tốt, nắng nóng, hạn hán thế nào cũng không chết nhưng quả dứa thì lại rất dễ bị hỏng. Chỉ cần nắng nóng vài ngày là những quả dứa sắp đến kỳ thu hoạch sẽ bị cháy xém, thối hỏng nên nông dân chúng tôi cứ phải dùng dây buộc lá dứa bao kín quanh quả. Thông thường chi phí bỏ ra cho việc buộc quả này rất cao nhưng làm như vậy mới bảo vệ được năng suất.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện nay, tất cả các vùng trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân đều phải xử lý biện pháp chống nắng tạm thời như bơm, tưới nước, che màng cho cây. Tuy nhiên, bà con cho biết: đây chỉ là biện pháp tình thế, cần có mưa tự nhiên mới giải nhiệt, cung cấp đủ nhu cầu nước cũng như đạm cần thiết để cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường được. Để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng đến các loại cây trồng, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Đối với cây rau màu, bà con nên phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới đen; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất khi trời nắng nóng. Nếu có điều kiện nên áp dụng hình thức tưới nhỏ giọt, tưới phun sương vừa tiết kiệm, vừa tăng hiệu quả tưới. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, bà con cần tiến hành tưới ẩm hàng ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày/lần, đặc biệt đối với các vườn cây mới trồng, các vườn cây ăn quả đang trong thời kỳ ra hoa, quả non. Không tiến hành cắt tỉa cành, trồng mới các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khi thời tiết nắng nóng gay gắt xảy ra. Có thể dùng rơm rạ, cỏ dại, bèo để che gốc giữ ẩm. Ngoài ra cần lưu ý, việc tưới nước phải thực hiện vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát khi đất đã giảm nhiệt. Tuyệt đối không được tưới cây giữa lúc trời trưa nắng, cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt độ hoặc khúc xạ nhiệt.
Theo thông báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp diễn từ nay đến hết tháng 7, vì thế bà con cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, nhằm bảo vệ cây trồng, để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
Hà Phương