Tuy nhiên, làng gốm Gia Thủy hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức của thị trường và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Gốm Gia Thủy đang trăn trở tìm hướng đi mới để tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ.
Gắn bó với nghề gốm từ 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Mai ở HTX Gốm Gia Thủy, người chứng kiến bước thăng trầm của nghề gốm suốt nhiều năm qua. Biết làm nên những sản phẩm gốm đầu tiên từ năm 20 tuổi, chị Mai tỏ ra vui mừng khi nghề truyền thống của quê hương sau nhiều năm lao đao nay đã tìm được chỗ đứng và phát triển. Đối với chị, nghề gốm không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình mà quan trọng hơn đó là cái nghiệp mà chị gắn bó, tâm huyết và theo đuổi suốt nhiều năm nay.
HTX Gốm Gia Thủy tiền thân là Gốm Long Thịnh nằm trên địa phận xã Gia Thủy (Nho Quan). Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng đơn giản như nồi, niêu, chum vại. Từ đó, làng gốm Gia Thủy ra đời.
Từ những sản phẩm truyền thống như nồi, niêu, chum, vại, chén, đĩa…, làng gốm Gia Thủy hôm nay còn tạo ra những sản phẩm vừa hấp dẫn về hình dáng, vừa tao nhã về công dụng và nghệ thuật trang trí. Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng nền văn hóa của một vùng đất, nghệ nhân làng gốm Gia Thủy đã biết tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Nhìn vào những chiếc bình gốm vẫn là màu đỏ, màu đen đặc trưng vẫn là những sản phẩm được hòa quyện giữa đất và lửa, nhưng toát lên trên đó vẫn là bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của người làng gốm Gia Thủy.
Để có thể làm được những sản phẩm gốm như thế, một người thợ làm gốm phải mất 10 năm, thậm chí 20 năm khổ luyện trong nghề. Vì vậy, nghề gốm không đơn giản là nghề mưu sinh, giải quyết việc làm những lúc nông nhàn mà hơn hết, đó là sự kết tinh những nét văn hóa đặc thù của một xứ sở, một vùng đất.
HTX Gốm Gia Thủy hiện nay đang thu hút hơn 40 lao động, trong đó có 10 nghệ nhân đang theo đuổi và bám lấy nghề. Từ năm 2000 trở lại đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX đã khởi sắc hơn nhiều. Sản phẩm gốm Gia Thủy không chỉ tiêu thụ ở địa bàn trong nước mà đã vươn ra thị trường thế giới. Trung bình mỗi năm, HTX xuất từ 3.000 đến 4.000 sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.
Đặc biệt sản phẩm hũ đựng rượu của Gốm Gia Thủy được khách hàng Nhật đánh giá rất cao. Điều làm nên sự khác biệt và cũng là ưu thế của gốm Gia Thủy so với các sản phẩm gốm ở các địa phương khác là tất cả các sản phẩm gốm đều được làm từ nguyên liệu đất sét ở Gia Thủy nên có độ kết dính cao, đặc biệt lại được nung bằng củi nên chất độc hại trong sản phẩm hoàn toàn không có. Có lẽ vậy mà các sản phẩm từ gốm Gia Thủy rất được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Năm 2011, doanh thu từ các sản phẩm gốm của HTX đạt hơn 800 triệu đồng, thu nhập của người lao động trung bình đạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, gốm Gia Thủy đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các mặt hàng gốm cùng loại. Sản phẩm gốm hiện thời được chấp nhận với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã và được đánh giá thiên về giá trị nghệ thuật hơn là giá trị vật dụng. Những yếu tố đó ngay cả những làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng hay Biên Hòa đôi phen cũng phải lao đao vì sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang xâm nhập thị trường.
Bản thân nghề gốm ở Gia Thủy hiện nay cũng đang phải đối mặt với sự yếu kém của chính làng nghề. Sản xuất theo quy mô nhỏ, tự phát và manh mún khiến cho gốm Gia Thủy vẫn chưa tìm được hướng đi thực sự hiệu quả. Chưa kể các sản phẩm gốm Gia Thủy hiện còn ít sáng tạo, chủ yếu vẫn là những mặt hàng vật dụng hàng ngày, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu và không phong phú. Hiệu quả kinh tế từ nghề gốm mang lại cho người dân Gia Thủy rõ ràng là có nhưng để nghề gốm phát triển ổn định và bền vững ở địa phương quả thật là điều không dễ. Vấn đề là nắm bắt và giải quyết bài toán ấy như thế nào để nghề gốm truyền thống của địa phương tiếp tục được duy trì và phát triển.
Nguyễn Khánh