Cụ Trần Văn Thưởng (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Sức khỏe kém đi nhiều, song năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết là cụ lại tất bật đôn đốc con cháu chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà ít người, bởi vậy mà gia đình cụ thường góp chung gạo, thịt, lá dong với hàng xóm để chung nồi bánh chưng. Chính vì thế, buổi gói bánh của gia đình cụ bao giờ cũng đông người và rộn rã tiếng cười. Người lớn thì tỉ mỉ ngồi xếp lá, rải gạo để gói sao cho chặt tay, vuông bánh, còn trẻ con thì ngồi cạnh háo hức, tò mò xen lẫn ngạc nhiên, thích thú. Cái hình ảnh ấy vừa ấm cúng, vừa sum vầy khiến không khí ngày giáp Tết cũng trở nên ấm áp hơn. Những ồn ào, lo toan của cuộc sống bỗng chốc dừng lại ngoài bậu cửa, chỉ còn lại là sự hoan hỉ của mùa xuân mới đang về.
Và năm nào cũng vậy, vừa gói bánh, cụ Thưởng vừa kể cho con cháu nghe về những Tết xưa. Trước đây, cuộc sống của bà con còn khó khăn nên nhà ai cũng phải làm đồng cho đến ngày cận Tết. Cấy nốt thửa ruộng đã vào ngày 29 Tết. Trời rét, mưa phùn lất phất, chợ quê se sắt, các bà, các chị quàng tấm áo mưa còn vương bùn đất, gánh gồng ra chợ bán vài sản vật mà gia đình làm ra như con cá, mớ rau, nải chuối, quả bưởi, quả gấc, mấy con gà trống mào đỏ tươi. Đôi khi, những sản vật ấy chỉ đủ để đổi lấy bó lá dong giềng, khi là gói thuốc hay chỉ vài lạng chè khô đãi khách.
Cứ sắm Tết dần, muộn nhất là đến chiều 30 thì trong nhà ai cũng có đầy đủ các nguyên liệu để gói bánh chưng. Khi các thức đã đầy đủ, các mẹ phân công cho con từng phần việc. Con gái khéo tay, cẩn thận, tỉ mỉ thì được mẹ giao cho việc rửa lá dong. Con trai thì rửa khuôn bánh, mẹ thì ngâm đậu, tỉ mẩn đãi đỗ… Cả nhà háo hức chờ đợi bố đi đụng thịt lợn để mang thịt về làm nhân bánh. Thời ấy, ít nhà có điều kiện mua thịt lợn lắm. Vào dịp Tết, thường thì cứ dăm nhà chung nhau đụng một con lợn chừng 50 kg. Số thịt chia nhau cũng chẳng có nhiều, mỗi nhà chỉ vài kg thôi, nhưng vui vẻ, chộn rộn cả xóm. Gạo để gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng đã được các gia đình phơi khô, quạt sạch, bảo quản trong chum sành để dành riêng gói bánh Tết. Thời nay, dù đời sống sung túc hơn nhiều lần, song những nguyên liệu để nấu được đồng bánh chưng ngon thì vẫn dân dã, dung dị như vậy.
Cụ Thưởng bảo, bánh chưng muốn ngon thì người gói phải chuẩn bị thật kỹ, thật thành tâm. Gạo phải ngâm đãi kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt nhân phải có cả nạc, cả mỡ, bì và ướp gia vị đầy đủ. Bánh gói xong phải luộc ngay thì bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông, đẹp, chín rền thì lúc gói phải đỗ trong gạo, gạo trong lá, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Miếng bánh sau khi cắt, nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Bao giờ cũng vậy, mỗi gia đình đều gói thêm những chiếc bánh nhỏ riêng cho trẻ con như món quà đầu năm.
Gói đủ số bánh thì bắc bếp, thổi lửa. Người thôn quê bận rộn suốt ngày. Bởi vậy, các nhà thường tranh thủ nấu bánh vào buổi tối. Trời sẩm tối bắc bếp thì đến rạng sáng hôm sau là có thể vớt bánh. Thức canh nồi bánh chẳng có riêng người lớn, mà bọn trẻ con cũng háo hức lắm. Chúng chung nhau chút tiền, mua bộ tam cúc chơi để chờ bánh chín. Ngoài trời, sương lạnh buốt. Mỗi đứa mong manh trong bộ quần áo sờn cũ, ấy vậy mà đứa nào cũng háo hức, cũng say sưa, chẳng thấy rét, thấy run.
Khi nồi bánh chưng đượm lửa, cũng là lúc mọi người rảnh rang đôi chút. Quây quần bên nhau, cùng nhìn lại một năm đã qua, cùng tưởng nhớ về những người thân đã về với tổ tiên… rồi lại rang rang những câu chuyện vui, hướng về một tương lai tốt đẹp, hoan hỉ. Và bao giờ cũng vậy, cụ Thưởng lại trầm ngâm kể cho mọi người nghe câu chuyện mà ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng chưa bao giờ thấy chán, thấy nhàm đó là "sự tích bánh chưng, bánh dày". Về khuya, đêm càng tĩnh mịch, nghe rõ tiếng nổ tí tách của bếp than hồng rực lửa, tiếng mùa xuân đang về thật gần... Tình cảm gia đình thêm gắn bó, ấm êm mặc cho ngoài trời, gió rét buốt, mưa bụi giăng trắng khắp nơi.
Cụ Thưởng bảo, thời đại công nghiệp, mọi người, mọi nhà chỉ cần ra chợ, siêu thị chọn và mang về những chiếc bánh chưng vừa ý là đầy đủ cái Tết. Thế nhưng, sau những bộn bề cuộc sống, những vất vả mưu sinh, người dân nông thôn vẫn không quên phong tục tập quán của cha ông. Bởi với người dân thôn quê thì những tấm bánh tự gói không chỉ mang ý nghĩa dâng lên ông bà, tổ tiên tấm lòng thơm thảo, biết ơn của con cháu mà qua đó còn là sự nhắc nhở đến thế hệ sau về nguồn cội, về văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Đào Hằng