Điển hình về làm giàu từ ứng dụng công nghệ caoNhắc đến mô hình trồng hoa cho giá trị kinh tế cao ở xã Ninh Phúc, không ai là không nhắc đến ông Vũ Văn Bảng, ở thôn Đoài Thượng. Cũng như bao hộ nông dân khác của xã, nhiều năm trước gia đình ông Bảng trồng rau màu các loại để kiếm kế mưu sinh, tuy nhiên thu nhập đem lại không cao. Chuyển sang trồng hoa, giống đại trà như: cúc, lay ơn, phăng xê, hồng… vẫn không đem lại hiệu quả do lối canh tác cũ đã khiến người nông dân Vũ Văn Bảng phải suy nghĩ lại về phương thức canh tác của mình.
Vốn dĩ yêu hoa và mong muốn được làm giàu từ những diện tích trồng hoa, ông Bảng không bỏ cuộc và dành thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế cách canh tác ở một số địa phương nổi tiếng về hoa. Trở về địa phương, ông Bảng cùng gia đình quyết tâm đưa việc trồng hoa theo hướng mới: ứng dụng công nghệ cao với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc hoa như: đầu tư giàn lưới kiên cố, mảng phủ chống cỏ dại, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mù… Đồng thời, những kiến thức, kinh nghiệm được học hỏi, tích lũy từ việc thực hiện các bước của quy trình kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ… đã giúp cho các vụ hoa của gia đình ông Bảng tiếp nối những thành công.
Ông Vũ Văn Bảng bên vườn hoa của gia đình.
Nhẩm tính lại hiệu quả về mặt kinh tế của việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa, ông Bảng chia sẻ: Qua 2 năm áp dụng công nghệ mới như giàn lưới, màng phủ, hệ thống tưới… cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đặc biệt đã tận dụng được tối đá giàn lưới, lượng nước, phân tưới. Với công nghệ này đã giúp cho việc tưới tiêu tiết kiệm hơn, lượng nước khi tưới được tập trung đồng đều vào từng chậu cây.
Quan trọng hơn cả là tiết kiệm được tối đa công lao động mà chất lượng sản phẩm lại đảm bảo, chủ động được thời gian, thời điểm đầu ra, giá thành vừa phải. Như năm 2016 với tổng diện tích 5 sào trồng hoa, vốn đầu tư là 230 triệu đồng đã cho thu nhập 480 triệu đồng. Năm 2017 đầu tư 270 triệu đồng vào các loại hoa hồng cổ và cho thu nhập 570 triệu đồng…
Thành công từ mô hình ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Bảng đã đưa vườn hoa của gia đình ông trở thành hình mẫu để các hộ nông dân trong và ngoài xã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Còn đối với ông chủ của mô hình, hiệu quả mang lại đã giúp cho ông và gia đình có thêm động lực để trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng hoa công nghệ cao lên gấp 3 lần diện tích cũ để trồng hoa đồng tiền kép và các loại hoa treo. Với mô hình mới này, ông Bảng dự định sẽ có đủ các loại hoa phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh không chỉ dịp lễ, tết mà là quanh năm.
Khi người nông dân làm chủ công nghệ
Ở thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc, không chỉ mình hộ ông Vũ Văn Bảng biết cách ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa để đem lại giá trị kinh tế cao mà nơi đây còn có cả một tổ hợp tác tập hợp những người nông dân năng động, mạnh dạn thay đổi tư duy, lối canh tác cũ. Tổ hợp tác Vườn hoa Ninh Phúc mấy năm gần đây cũng áp dụng hệ thống tưới nước tự động thay thế cho việc dùng sức lao động để xách nước tưới thủ công cho hoa. Công nghệ này được đánh giá là một trong những tiến bộ mới về công nghệ tưới được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ một phần vốn và chuyển giao KHKT.
Nhiều diện tích trồng hoa được áp dụng biện pháp che phủ, làm nhà giàn.
Theo nhiều chủ vườn, chỉ cần mở van, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt đồng loạt vào gốc cho hàng nghìn chậu hoa nên tiết kiệm được công chăm bón, đảm bảo được nhiệt độ cho hoa sinh trưởng, kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hiệu quả kinh tế thấy rõ ở phương pháp này đã góp phần giảm được 60% lượng nước tưới hàng ngày, giảm 100% hư hao phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm tới 90% công chăm bón…
Nếu so sánh với canh tác truyền thống trước kia, người nông dân rất vất vả khi phải xách nước hoặc lắp đặt dẫn nước từ ao, mất nhiều công chăm sóc mà hoa lại không phát triển đồng đều, dễ ảnh hưởng đến chất lượng lá và bông hoa. Theo tính toán của nhiều hộ áp dụng thành công phương pháp này, thu nhập từ một sào hoa/vụ có thể đạt trên 20 triệu đồng, cao hơn chục lần so với trồng lúa và các loại rau màu.
Không chỉ ở thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc, tại phường Ninh Sơn cũng xây dựng được 2 mô hình mẫu với tổng diện tích hơn 1.600m2 chuyên trồng cây dược liệu và trồng hoa hồng cổ, hoa ly. Tiêu biểu là mô hình trồng cây dược liệu và trồng hoa hồng cổ của gia đình anh Phạm Văn Hưng ở phố Hợp Thiện, phường Ninh Sơn.
Với 1 ha trồng nghệ bằng công nghệ che phủ nilong và 1.300 m2 đất trồng hồng cổ, gia đình anh Hưng đã từng bước có thu nhập tương đối khá. Như nghệ sau 1 năm thu hoạch với giá bán 10.000 đồng/kg, 1 ha nghệ đã cho thu nhập trên 270 triệu đồng, cao gấp 3 lần trồng ngô, lạc. Còn hồng cổ, giá mỗi cây tùy thuộc vào tuổi đời nhưng khá cao: trung bình từ 6, 7 triệu- 15, 20 triệu đối với cây có tuổi đời 5-10 năm; những cây lâu năm có thể lên đến 60- 100 triệu đồng…
Động lực hỗ trợ người nông dân làm giàu
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ 19, BCH Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình công tác số 2 "Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững; tập trung cao cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế hộ gia đình, giai đoạn 2015- 2020". Trong đó có giải pháp "Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng KHCN, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trung ương và địa phương để xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao".
Thực hiện chương trình công tác số 2, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết thực hiện đề án hỗ trợ phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn đến năm 2020 và có nhiều chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ/TU của Tỉnh ủy.
Từ năm 2017 thành phố đã triển khai xây dựng được 4 mô hình trồng hoa, rau với diện tích 2.522m2. Ba mô hình trồng hoa và 1 mô hình trồng rau công nghệ cao được xây dựng là hình mẫu để các hộ dân thành phố nghiên cứu, học tập, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Các mô hình mẫu kể trên ngoài việc được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện canh tác, việc ứng dụng kỹ thuật, cải tiến biện pháp canh tác và đưa cây trồng mới được thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao. Do đó, bước đầu một số kỹ thuật đã cho hiệu quả kinh tế cao và được ứng dụng ở diện rộng như: phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên, phục tráng giống nếp hạt cau, trồng cây dược liệu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trồng và chăm sóc quất cảnh, các loại hoa đô thị, hoa hồng cổ…
Để các mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài các chính sách của trung ương, của tỉnh, thành phố luôn quan tâm thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: chính sách miễn giảm thủy lợi phí, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến… Đặc biệt, công tác chuyển giao KHKT được chú trọng. Thành phố thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết đã ký của các hộ sản xuất về đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Năm 2018 thành phố đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức kiểm tra mẫu đất, nước làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng nhận vùng sản xuất an toàn cho diện tích sản xuất rau tập trung tại xã Ninh Phúc và phường Ninh Sơn. Các chính sách hỗ trợ kể trên đã tạo động lực cho nông nghiệp thành phố phát triển, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Và quan trọng hơn cả là góp phần tạo ra lợi thế so sánh giữa nông nghiệp thành phố với các đơn vị trong tỉnh.
Bài, ảnh: Phan Hiếu