Bà Đỗ Thị Khang ở xóm 7, xã Khánh Mậu (Yên Khánh) phát hiện bị u phổi cách đây không lâu. Gánh nặng tài chính để chạy chữa căn bệnh này tưởng chừng sẽ khiến gia đình bà lao đao bởi trước giờ mức thu nhập của cả nhà cũng chỉ nhỉnh hơn các hộ nghèo, hộ cận nghèo đôi chút. Nhưng nỗi lo ấy đã được sẻ chia rất nhiều nhờ tấm thẻ BHYT mà bà Khang mới mua trước đó 2 tháng. Bà nhớ lại: Vậy mà đã có lúc tôi từng từ chối khi chị Thu, chị Hảo (những cán bộ Hội Nông dân xã) nhắc đến việc mua BHYT. Cũng do kinh tế của gia đình vốn eo hẹp, lại không quen với việc làm thủ tục, giấy tờ… nên tôi không có ý định mua bảo hiểm. Nhưng trước sự kiên trì, khéo léo, tận tình của các chị ấy, tôi đã dần bị thuyết phục và hiểu rằng tham gia BHYT có nhiều quyền lợi, nếu không có BHYT, người bệnh phải chi trả hoàn toàn.
Được biết, sau khi thuyết phục, động viên, cán bộ Hội Nông dân xã tiếp tục đến tận nhà để hỗ trợ hoàn thiện những thủ tục, giấy tờ cần thiết để bà Khang sớm có được tấm thẻ BHYT. Trong đó mức đóng của bà Khang là 351.000 đồng/năm, đó là mức đóng ưu tiên phù hợp với hoàn cảnh gia đình và đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Hiện nay khi thấy rõ lợi ích từ BHYT, các thành viên trong gia đình bà đều tự nguyện tham gia qua đại lý của Hội Nông dân xã.
Theo đồng chí Lê Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Mậu: Những trường hợp từng băn khoăn về việc tham gia BHYT như bà Khang không phải là hiếm. Bởi ngoài những hiểu biết chưa đầy đủ về chính sách an sinh xã hội này thì đa phần thu nhập của hội viên nông dân còn thấp, lại không ổn định nên việc hàng năm bỏ tiền ra để đóng bảo hiểm khiến nhiều người phải cân nhắc. Bằng nhiều giải pháp khác nhau chúng tôi đang từng bước để bà con nhận ra tham gia BHYT giúp người dân an tâm được chia sẻ tài chính lúc ốm đau, nhất là những khi bệnh nặng; đồng thời sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên để đảm bảo lao động sản xuất. Thực hiện BHYT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa to lớn trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.
Giải pháp mà đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Mậu nhắc đến chính là việc tập trung vào những hoạt động có thế mạnh của tổ chức Hội như tổ chức hoạt động tập huấn, trao đổi, đối thoại, hội thi, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, xây dựng đại lý thu BHYT, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng... Các nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền lợi và trách nhiệm của nông dân trong thực hiện chính sách BHYT; vai trò, tính ưu việt, ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước; phổ biến hình thức, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Mậu cho biết thêm: ở nông thôn, đối tượng mà BHYT hướng đến trước tiên có lẽ chính là những nông dân tuổi cao, sức yếu. Tuy nhiên, trước đây việc hoàn thiện các thủ tục thường phải đi lại nhiều lần. Điều này đã từng là rào cản không nhỏ để nông dân đến gần hơn với BHYT, nhất là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Hiện nay, các thủ tục giấy tờ đã được cải thiện đáng kể theo hướng thuận lợi cho người dân. Hơn nữa chúng tôi luôn sẵn sàng đến từng nhà để hướng dẫn, hỗ trợ bà con hoàn thiện đầy đủ mọi giấy tờ theo quy định, điều đó khiến nhiều hội viên nông dân hài lòng hơn.
Với cách làm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", Hội Nông dân xã Khánh Mậu đã vận động được hơn 1.300 người là hội viên nông dân và người nhà của họ tham gia BHYT (toàn xã có hơn 1.200 hội viên). Việc làm này một lần nữa khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân xã đối với cuộc sống của nông dân, đặc biệt là hộ nông dân có thu nhập trung bình đã bớt khó khăn trong khám, chữa bệnh. Mặt khác trong quá trình vận động, các chi hội trưởng có điều kiện gần gũi hội viên, vận động hội viên tham gia vào tổ chức Hội và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Đào Duy