Những ngày giáp Tết, chúng tôi về xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) vào thăm gia đình chị Hợp. Gia đình chị Hợp "trụ" trong tốp nghèo từ cách đây đã nhiều năm. Chị tâm sự: Vợ chồng tôi sức khỏe yếu, lại không có việc làm thêm lúc nông nhàn.
Mấy đứa con đang tuổi đến trường. Sinh hoạt của cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng. Cấy 4 sào, năm nào được mùa cũng được 8 tạ thóc. Nếu chỉ để ăn cũng không đến nỗi thiếu gạo. Nhưng 8 tạ thóc phải "gánh" biết bao nhiêu khoản.
Thành ra, năm nào gia đình tôi cũng bị đói vài tháng giáp hạt, hoàn cảnh rất khó khăn. Đúng lúc đó, thì gia đình tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ học nghề. Không những học không mất học phí, mà mỗi ngày chúng tôi còn được 15.000 đồng.
Doanh nghiệp hỗ trợ tiền nguyên liệu, sản phẩm làm ra được thu mua theo giá thị trường. Sau thời gian 3 tháng, tôi đã thành thạo nghề. Hiện, tôi vẫn duy trì nghề với mức thu nhập ổn định. Cuộc sống của gia đình nhờ thế mà bớt khó khăn, có điều kiện để phát triển sản xuất. Năm ngoái, gia đình tôi chính thức ra khỏi danh sách nghèo và đã sửa sang lại được ngôi nhà …
Chị Hợp là một trong số 250 lao động nghèo may mắn được thụ hưởng dự án thí điểm dạy nghề cho người nghèo năm 2010. Dự án này do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ với mức kinh phí là 300 triệu đồng nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, triển khai thí điểm tại 3 xã: Khánh Tiên, Khánh Mậu, Khánh Nhạc của huyện Yên Khánh với các nghề: Đan bẹ chuối trên khung sắt, đan khay bèo bồng, hộp cói đan bộ 3 do các cán bộ có tay nghề của Doanh nghiệp Thành Hóa trực tiếp truyền nghề trong thời gian 3 tháng. Qua khảo sát, đến nay 100% lao động sau khi đào tạo vẫn duy trì nghề với mức thu nhập ổn định, hầu hết các hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Với phương châm "cho cần câu hơn xâu cá", công tác dạy nghề cho người nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và là một trong những "nút mở" quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong 5 năm qua (2011-2015), với kinh phí thực hiện Chương trình dạy nghề là 79,04 tỷ đồng, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 20.500 lượt lao động nông thôn học nghề, trong đó có trên 3.000 lao động là người có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất, 211 lao động hộ cận nghèo.
Cùng với đó, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cũng dành trên 6 tỷ đồng hỗ trợ tạo việc làm và xuất khẩu lao động cho người lao động, trong đó hộ nghèo là đối tượng được ưu tiên, chú trọng.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 94.000 người, đạt 104,5% kế hoạch, trong đó có hơn 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 3,18% xuống còn 3,1% và tỷ lệ sử dụng lao động thời gian nhàn rỗi ở khu vực nông thôn tăng từ 78,6% lên 79%. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo khác trên địa bàn.
5 năm qua, đã cho trên 130.000 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Làm việc với ngành chức năng, chúng tôi được biết để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, thì yếu tố quan trọng là phải nâng cao nhận thức cho người nghèo trong hoạt động giảm nghèo để họ tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là nội dung của dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Thực hiện dự án này, tỉnh ta đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị ở cấp xã, tổ dân phố hay các tổ chức đoàn thể đến từng hộ gia đình trong cụm dân cư... đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho người nghèo.
Cũng theo Dự án này, tỉnh ta chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho trên 10.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, các tổ chức đoàn thể và trưởng các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tập huấn tập trung vào nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tổ chức thực hiện quản lý số hộ nghèo trong điều tra, rà soát hàng năm, kỹ năng điều tra , rà soát, đánh giá hộ nghèo; kỹ năng đánh giá chương trình giảm nghèo, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ giảm nghèo phát huy kiến thức được đào tạo ngay tại cơ sở.
Chương trình 135 bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng đã được thực hiện có hiệu quả. Dự án này được thực hiện tại 5 xã của huyện Nho Quan và 1 xã của huyện Yên Mô.
Trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 35 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình và xây dựng được 16 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, điện… Cũng trong nhiệm kỳ qua, chương trình đã hỗ trợ đầu tư 16 công trình thiết yếu của 6 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là thu hút được sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, hộ nghèo.
Thu Hằng