Sau mỗi kỳ đại hội, căn cứ các quy định của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kịp thời bổ sung, xây dựng Quy chế làm việc. Đây là văn bản có tính pháp lý, thể hiện rõ nhất sự lãnh đạo của Đảng thông qua việc lãnh đạo chính quyền. Cùng với đó, để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát và chủ trì, trực tiếp kiểm tra, giám sát từ 7 đến 8 cuộc; trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, cấp ủy viên là lãnh đạo chính quyền và cấp ủy cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng như: Kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án từ 2010 đến nay. Kiểm tra Đảng ủy Sở Nông nghiệp & PTNT và lãnh đạo Sở thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030". Giám sát đối với Đảng ủy Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Đảng ủy Sở Kế hoạch & Đầu tư và lãnh đạo Sở trong việc thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"... Sau kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành kết luận để đánh giá kết quả thực hiện, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những sai sót, đồng thời bổ sung, điều chỉnh để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả hơn.
Thực hiện chế độ kiểm tra đối với chính quyền còn được thông qua việc định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc khi có yêu cầu, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thực hiện chế độ báo cáo việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và những công việc chỉ đạo, điều hành chủ yếu của chính quyền, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết với Tỉnh ủy, trong đó trực tiếp, thường xuyên là tại giao ban tuần của Thường trực Tỉnh ủy, hội nghị hàng tháng Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương, giải pháp và được cụ thể hóa bằng thông báo kết luận hội nghị để chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện.
Kiểm tra đối với chính quyền thông qua việc nắm tình hình dư luận, ý kiến phản ảnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện Quyết định 1248-QĐ/TU, ngày 15/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với Nhân dân; hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân; nắm tình hình thông qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhất là công tác thẩm định, giám sát, khảo sát, chất vấn; xây dựng chuyên mục "Dân hỏi - thủ trưởng các cơ quan trả lời" trên sóng Đài PTTH tỉnh. Triển khai thực hiện phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp ủy, lãnh đạo các cấp định kỳ hằng tháng dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố. Tiếp nhận và xử lý tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đến đường dây nóng của Tỉnh ủy; việc tiếp nhận đơn, thư của nhân dân.... Thông qua các hình thức trên đã kịp thời nắm chắc được thực tiễn ở cơ sở, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng để kịp thời chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan tìm các giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội: Năm 2018 đã chỉ đạo tiến hành rà soát 64/299 kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội và 1/4 Thông báo kết quả kiểm toán Nhà nước; chỉ đạo UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả... qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, đồng thời phòng ngừa sai phạm, phát sinh tiêu cực mới trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát huy vai trò giám sát, phản ánh của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thông qua việc ban hành Quyết định số 1573-QĐ/TW ngày 24/11/2014 quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở khu dân cư với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; tiếp tục phát huy tốt vai trò hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, nhất là trong công tác xây dựng nông thôn mới; đổi mới phương thức hoạt động, sâu sát với thực tiễn, gần dân, hiểu dân và đồng cảm với nhân dân.
Thông qua kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết, là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại chính quyền; đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo chính quyền, nhất là người đứng đầu, với nguyên tắc người đứng đầu chính quyền không được xếp ở mức cao hơn của tập thể lãnh đạo hoặc tổ chức đảng trong các cơ quan chính quyền. Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng, những chỉ tiêu, sản phẩm cụ thể, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều tiến hành đánh giá, xếp loại Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và cá nhân các đồng chí lãnh đạo chính quyền theo phân cấp. Thực hiện việc đánh giá theo hướng "Ai giao việc - người đó đánh giá", do vậy đánh giá ngày càng có cơ sở vững chắc, thực chất, khách quan hơn.
Quỳnh Thu