Theo thống kê, hiện toàn cầu có khoảng 70 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 40 triệu người hiện còn sống và 30 triệu người đã tử vong. Mỗi ngày có khoảng 15.000 người nhiễm mới và 15 giây qua đi lại có thêm 1 người tử vong.
Tại Việt Nam, tính đến 30-6-2008 đã có 39.664 người tử vong do AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 156.562 người. Trung bình cứ 200 người có 1 người sống với HIV, 60 hộ gia đình thì có 1 hộ có ít nhất 1 người nhiễm HIV/AIDS. Tại Ninh Bình, đến ngày 20-10-2008 đã phát hiện 1.809 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 1.246 người nhiễm HIV, 563 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS (387 người đã tử vong do AIDS), không kể các trường hợp được phát hiện tại Trại giam Ninh Khánh và Trường Giáo dưỡng số II.
Phân tích các ca nhiễm cho thấy, có tới 85,25% số người là nam giới; độ tuổi từ 16-29 tuổi, chiếm 51,82%; từ 30-39 tuổi chiếm 38,74%. Nguy cơ lây nhiễm cao là qua đường máu, chủ yếu là tiêm chích ma túy (chiếm 70,15%), tiếp đến là qua quan hệ tình dục, chiếm 13,81%; qua đường mẹ con, chiếm 1,84%; không rõ nguyên nhân 14,2%. So với mấy năm trước, HIV/AIDS không còn giới hạn trong nhóm nguy cơ cao mà đã lan rộng ra cộng đồng, thể hiện qua việc phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai. Hiện tại có những gia đình cả vợ chồng, con cái, anh em ruột đều nhiễm HIV/AIDS.
8/8 huyện, thành, thị và 131/147 xã, phường đã có người nhiễm HIV. Xã có người nhiễm HIV cao nhất là Trường Yên (Hoa Lư): 239 người, đã tử vong 73 người. Huyện có người nhiễm nhiều nhất là Kim Sơn: 541 người; tiếp đến là Hoa Lư: 399 người; thành phố Ninh Bình: 358 người. Yên Mô hiện cũng đã phát hiện 34 người nhiễm HIV…
Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là một phần của tảng băng chìm, số nhiễm trên thực tế có thể gấp 3 lần, bởi có rất nhiều người không biết mình có HIV, một số có nguy cơ nhưng không dám đi xét nghiệm, có người vì sợ kỳ thị phải đi xét nghiệm nơi khác, khi phát hiện nhiễm không báo cho y tế địa phương, do đó không đưa vào thống kê.
Từ phân tích trên có thể nói tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình đang có diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, lan rộng về địa dư, trẻ về độ tuổi và có dấu hiệu lây lan rộng trong cộng đồng. Đặc biệt số ca tử vong do AIDS tăng mạnh (trong 10 tháng đầu năm nay đã có 76 trường hợp tử vong).
Xét trên phạm vi toàn cầu, muốn ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS cần có sự liên kết, vào cuộc mạnh mẽ hơn của tất cả các quốc gia, trong đó có sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các nhà lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội. Đó làviệc lãnh đạo, xây dựng chính sách quốc gia về HIV/AIDS đến việc chỉ đạo, củng cố bộ máy, đầu tư kinh phí cho cho công tác phòng, chống AIDS…
Ở tỉnh Ninh Bình, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và mỗi người. Ngoài việc xây dựng được chương trình hành động cho từng giai đoạn, hàng năm ngành Y tế đã tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức tháng truyền thông phòng, chống AIDS, đạt hiệu quả tuyên truyền cao.
Qua các hoạt động như: Mít tinh, diễu hành; thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân HIV/AIDS và gia đình người bệnh; tư vấn nhóm nhỏ…đã góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi người về tác hại của HIV/AIDS; đường lây nhiễm, cách phòng, chống; những giải pháp can thiệp, giúp đỡ người nhiễm HIV, chống sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV, tạo cơ hội để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Các hoạt động tư vấn, giám sát, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cũng được ngành Y tế triển khai tương đối tốt. Các đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, nông dân… đều xây dựng chương trình hoạt động với những hình thức sinh hoạt, tuyên truyền khá hiệu quả…
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác phòng, chống AIDS ở Ninh Bình còn có những hạn chế. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm. Hoạt động tuyên truyền mới tập trung cho bề nổi; việc tiếp cận, quản lý đối tượng còn khó khăn; kinh phí đầu tư cho chương trình còn ít; số người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, giúp đỡ chưa nhiều, bên cạnh đó là sự gia tăng của tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm cũng khiến cho việc ngăn chặn HIV/AIDS thêm phần khó khăn.
Đó cũng chính là thách thức mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, các đoàn thể và mỗi người, mỗi gia đình phải nỗ lực, chung tay đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS chuyển sang giai đoạn mới với hiệu quả cao hơn.
Hà Trang