Trong hành trình gần 20 năm khôi phục và phát triển nghề gốm cổ Bồ Bát (làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô), nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vang là người đóng vai trò tiếp nối nghề truyền thống, thắp lửa, giữ lửa cho lò nung cháy mãi và thổi hồn cho đất trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cao, vươn ra thế giới.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang kiểm tra hoạt động sản xuất và chỉ dạy nghề cho thợ tại xưởng. Ảnh: Minh Đường
Người hồi sinh nghề gốm thất truyền
Vào thuở mười tám đôi mươi, trong lúc đang loay hoay chọn tìm cho riêng mình một nghề có thể gắn bó cả đời, chàng trai trẻ Phạm Văn Vang dần nhận thấy những giá trị lịch sử, văn hoá về nghề gốm cổ rất lâu đời tại quê hương mình bị thất truyền. Theo các tài liệu lịch sử, gốm Bồ Bát được phát tích từ thế kỷ IX, X, thời Vua Đinh Tiên Hoàng xây kinh đô Hoa Lư với dòng gốm sắc trắng độc đáo, chuyên dùng để cung tiến triều đình. Thậm chí, những sản phẩm tinh xảo nhất còn trở thành cống phẩm cho Trung Quốc, do đó làng còn có tên là làng Cống Bát.
Khi Vua Lý Công Uẩn dời đô, Vua đem theo các thợ gốm lành nghề, định cư vùng ven sông Hồng, lập nên làng gốm Bát Tràng nổi tiếng ngày nay. Còn làng nghề gốm cổ Bồ Bát do không còn thợ giỏi, công việc làm ăn khó khăn, nghề dần chìm vào quên lãng. Sinh ra và lớn lên ở đất làng gốm cổ, anh Vang có hảo cảm đặc biệt với nghề gốm nên nung nấu chí lớn khôi phục lại nghề cũ của cha ông.
“Tôi đã bắt đầu tất cả bằng con số không: không phải con nhà nghề, không có tay nghề, không vốn, mặt bằng sản xuất, không có tài liệu hay công thức nhất định nào để phục dựng nghề… chỉ duy nhất một thứ có là khát khao vực lại nghề gốm cổ, trả lại cho quê hương cái nôi vốn đã sinh ra nghề, làm vang danh nghề gắn với địa danh”, anh Vang chia sẻ.
Đầu những năm 2000, anh Vang rời quê hương, bắt đầu theo học làm gốm ở làng Bát Tràng. Nhận được sự giảng dạy, giúp đỡ nhiệt tình của các nghệ nhân, cộng thêm năng khiếu vốn có với nghề gốm, tay nghề của anh nhanh chóng được khẳng định bằng những sản phẩm chỉn chu. Với số vốn ít ỏi, anh Vang quyết định trở về quê, mở xưởng, hướng tới sản xuất các dòng gốm trang sức, gốm mỹ thuật có giá trị thẩm mỹ, văn hóa cao.
Sau 20 năm phát triển sản phẩm, từ một xưởng sản xuất nhỏ với số lượng mặt hàng ít, đến nay, nghề gốm Bồ Bát được hồi sinh, thương hiệu dần được khẳng định. Năm 2010, sản phẩm được tỉnh lựa chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam và Thăng Long-Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận gốm Bồ Bát là nghề truyền thống năm 2014; năm 2015, anh Vang được nhận giải thưởng Sáng kiến cấp tỉnh và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú năm 2016,…
Hiện một số sản phẩm gốm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy với sản lượng sản xuất mỗi tháng hàng chục nghìn sản phẩm trên khu xưởng rộng hơn 2.000m2, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên, mức lương từ 8.000.000-15.000.000 đồng/người/tháng.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất hàng. Ảnh: Minh Đường
Hành trình đầy gian nan
Mặc dù không ngừng nâng cao tay nghề, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng quy mô từ một nhà xưởng nhỏ cho tới thành lập Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát, song anh Vang cũng khó tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt của thị trường gốm trong và ngoài nước.
“Thành công tạo ra sản phẩm tốt nhưng đưa đến tay khách hàng là câu chuyện rất xa. Để tiếp cận với khách hàng, có những thời điểm tôi rong ruổi khắp các tỉnh thành để chào hàng, ký gửi sản phẩm. Có khi hàng thì còn nhưng kinh phí thì hết, sự bất lực khi ấy là những kỷ niệm có lẽ không thể quên trong đời”, anh Vang chia sẻ.
Nhưng đó chưa phải là điểm dừng của những khó khăn trên hành trình khôi phục và phát triển nghề. Vấn đề đầu ra của sản phẩm vẫn là trăn trở hàng đầu của người nghệ nhân qua nhiều năm liền.
Để thâm nhập vào thị trường, gốm Bồ Bát có những độc đáo riêng khi sản xuất theo đúng truyền thống, đa dạng nhưng không tạp nham, tập trung vào dòng gốm sứ cao cấp, dựa trên nguyên liệu đất sét trắng đặc trưng, hiếm có gọi là đất sét Bồ Di, chỉ xứ Bạch Liên này mới có. Men sâu và mịn, độ bền cơ học tốt, mỏng mà độ cứng cao, gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, các đường nét hoa văn vẽ tay hoàn toàn nên không đại trà. Sản phẩm cũng đã phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo anh Vang, phát triển thị trường vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nghề truyền thống của quê hương vẫn chưa có nhiều không gian phát triển, giá trị thương hiệu chưa được đề cao, bị động trước thị trường, sản phẩm làm ra phụ thuộc theo đơn đặt hàng, thiếu vốn để mở rộng sản xuất… Điều này, hạn chế khả năng phát triển của nghề.
Trong bối cảnh hiện tại với công nghệ thông tin và du lịch phát triển là lợi thế quảng bá nghề gốm cổ. Đối với người theo đuổi nghề truyền thống như anh, đây là cơ hội lớn để tiếp cận với đa dạng đối tượng khách hàng, trước hết là lan tỏa giá trị văn hóa, xây dựng thương hiệu, sau mới là bán sản phẩm. Bởi trong nhiều năm thăng trầm cùng gốm, tình yêu nghề, mong muốn nghề được gìn giữ, nối tiếp và phát triển bền vững quan trọng hơn việc đơn thuần làm thương mại. Có lẽ vì vậy mà dù bận bịu với công việc điều hành kinh doanh nhưng ưu tiên hàng đầu của anh Vang vẫn là trực tiếp tham gia sản xuất, truyền dạy kỹ thuật cho công nhân và những người thợ để mỗi sản phẩm được tạo ra đạt đến độ tinh xảo, độc đáo.
“Phát triển nghề thủ công truyền thống, tâm tư lớn nhất tôi muốn gửi gắm là cân bằng giữa bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với việc tôn vinh, trao truyền nghề cho đội ngũ thợ và nghệ nhân. Đồng thời, tạo ra lợi ích kinh tế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để nghề sống mãi cùng thời gian”.