Tuy nhiên, công tác thu hút, tập hợp lực lượng thanh niên khu vực nông thôn ở một số địa phương đang gặp nhiều khó khăn do sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành phố. Điều này đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền cũng như các cấp bộ Đoàn cần có nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học để ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn sáng mãi.
Khó khăn trong thu hút, tập hợp thanh niên
Những năm qua, phong trào đoàn trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giáo dục lý tưởng sống cho ĐVTN, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, ghi dấu ấn trong cộng đồng bởi các phong trào hành động cách mạng nhiều điểm nhấn, có sức hút.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị, địa phương trong tỉnh, việc thu hút, tập hợp thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan. Qua khảo sát thực tế hoạt động đoàn khu vực ở nông thôn, chúng tôi nhận thấy, tại một số khu vực tuy có tổ chức nhưng lại "trắng" về sinh hoạt đoàn. Hoạt động tại một bộ phận nhỏ chi đoàn bị tê liệt, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, hình thức.
#ến xã Cúc Phương (huyện Nho Quan), chúng tôi được biết, phần lớn đoàn viên, thanh niên thường xuyên vắng mặt ở địa phương. Đồng chí Đinh Thúc Chiến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Gần 100% số thanh niên sau khi học xong THPT, nếu không học tiếp là đi làm ăn xa. Phần còn lại, nếu học lên cao, sẽ tìm kiếm công việc ở thành phố hoặc các khu công nghiệp ở các vùng lân cận, rất ít người trở lại địa phương làm ăn, sinh sống.
Cả xã chỉ có gần 200 thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt đoàn nhưng có đến hơn 80% trong số đó không mặn mà lắm với sinh hoạt đoàn. Tất cả các thôn, bản trong xã đều thành lập chi đoàn nhưng phần lớn trong số đó hoạt động cầm chừng do lượng thanh niên đi làm ăn xa tương đối nhiều.
Do vậy, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở Cúc Phương gặp khó khăn vì thiếu lực lượng tại chỗ. Mỗi khi có các chương trình hành động, tổ chức đoàn ở đây thường thiếu lực lượng triển khai. Điều này thấy rõ qua các chiến dịch tình nguyện, hoặc phong trào "Năm xung kích, bốn đồng hành", toàn xã thường phải "đẩy" về cho khối trường học, khối cơ quan vì chỉ ở đây mới có lực lượng để triển khai.
Ở xã làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư), việc thu hút, tập hợp thanh niên sinh hoạt đoàn cũng đạt tỷ lệ không cao, không đồng đều, mặc dù số lượng thanh niên đi làm ăn xa không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu được lý giải là vì thanh niên mải làm kinh tế làng nghề cho nên các hoạt động đoàn thường không được quan tâm. Hoạt động đoàn ở nhiều nơi thường chỉ rộ lên vào thời điểm đầu năm mới và dịp hè khi thanh niên, sinh viên đi làm ăn, đi học xa trở về địa phương. Còn nhiều tháng sau đó, gần như "chìm xuồng".
Trò chuyện với các bạn trẻ tại các xã đã đến họ cho chúng tôi biết, muốn thanh niên đến với đoàn thì chính tổ chức Đoàn phải lôi cuốn họ bằng sức hấp dẫn tự thân. Các bạn trẻ bộc bạch, nhu cầu lớn nhất hiện nay của họ là được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để lập thân, lập nghiệp; trong khi đó nội dung, phương thức hoạt động tổ chức đoàn thường ít gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Nội dung sinh hoạt đoàn một số nơi còn cứng nhắc, rập khuôn, chậm đổi mới.
Một trong những chìa khóa quan trọng giúp tổ chức đoàn "đến" với thanh niên là việc hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Đây chính là một trong những hoạt động quan trọng đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn cho vay cũng không dễ dàng vì có những mô hình kinh tế của thanh niên chưa chứng minh được tính hiệu quả; nhiều thanh niên có nhu cầu đang rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Nghĩ và làm
Những đóng góp của phong trào đoàn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vị thế của thanh niên, giải quyết bài toán về khó khăn trong thu hút, tập hợp thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn cần có những giải pháp đồng bộ, khoa học.
Thực tế là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều cán bộ Đoàn, nhất là cấp cơ sở đã từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thời kỳ mới; các chi đoàn tại các thôn, xóm hoạt động còn thiếu sáng tạo, thiếu sức hấp dẫn thanh niên và sự gắn kết còn khá lỏng lẻo.
Mặc dù trong thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cũng như đào tạo ngắn hạn, dài hạn dành cho lực lượng cán bộ đoàn cơ sở, nhưng chính sách quan tâm tạo đầu ra cho cán bộ đoàn, chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đoàn tại địa phương, nhất là hoạt động đoàn ở vùng nông thôn, miền núi.
Việc đào tạo, tìm kiếm người cán bộ đoàn tâm huyết và tạo điều kiện thuận lợi để họ cống hiến là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đoàn khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, chế độ đối với cán bộ cơ sở và kinh phí cho hoạt động đoàn khu vực nông thôn còn eo hẹp.
Nguyễn Thiện Hiển, Bí thư đoàn xã Sơn Hà (NHo Quan) cho biết: Tại xã Sơn Hà, trợ cấp cho bí thư đoàn xã chưa đến hai triệu đồng/tháng, cán bộ cấp dưới còn thấp hơn nữa, ví dụ như bí thư chi đoàn thôn chưa đến 200 nghìn/tháng. Mặt khác, kinh phí dành cho hoạt động đoàn cả năm tại xã là 8,5 triệu đồng mà rất nhiều đầu việc từ Tháng Thanh niên, Tháng tình nguyện, các ngày kỷ niệm, các hoạt động phối hợp... Mỗi khi có hoạt động, chúng tôi đều phải kêu gọi tài trợ nhưng cũng không được nhiều, hầu hết tiền hoạt động anh em cán bộ đoàn đều phải đóng góp thêm.
Khi mà những lo lắng về mưu sinh đang "đè nặng" lên đôi vai của mỗi bạn trẻ thì rõ ràng nhu cầu đến với đoàn là không nhiều, thậm chí có thể bị "bỏ qua". Trong khi đó, việc giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng gia đình, tổ chức đoàn chỉ là một nhân tố trong đó. Các cán bộ Đoàn cần có cách nghĩ và làm sáng tạo hơn.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều cán bộ đoàn tại Nho Quan, Kim Sơn, Gia Viễn cho rằng: Việc thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa là một nhu cầu chính đáng. Không thể phê phán thanh niên nông thôn về việc chưa nhiệt tình tham gia sinh hoạt đoàn bởi bản thân mỗi người đang phải đối mặt và giải quyết những vấn đề thiết thân. Vấn đề quan trọng là tổ chức đoàn, hội cần "có mặt" ở những nơi thanh niên đến và tổ chức đoàn địa phương thì cần mở nhiều hướng đến "giữ" được tổ chức của mình ở cơ sở.
Thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ lớn và là lực lượng lao động chính tại địa phương. Thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên vào tổ chức đoàn là một trong những khâu then chốt để thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới; cuốn hút thanh niên tham gia vào các hoạt động, phong trào của Đoàn.
Vẫn còn đó một câu hỏi lớn: Phải làm gì để thanh niên nông thôn "ly nông bất ly hương", giúp họ lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương mình? Muốn thực hiện thành công, một trong những yếu tố quan trọng là đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để từ đó tìm ra những phương thức giải quyết hiệu quả, đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ hoạt động của tổ chức đoàn khu vực nông thôn.
Song song với đó cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống trẻ cho thanh niên. Xây dựng một đội ngũ cán bộ đoàn năng động, tâm huyết cùng với những chương trình, dự án thiết thực, đem đến lợi ích cho ĐVTN sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của Đoàn trong thời kỳ mới.
Để nâng cao chất lượng tổ chức đoàn, hoạt động đoàn tại khu vực nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng chi đoàn, đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, nội dung sinh hoạt và hoạt động của Đoàn cần sáng tạo hơn nữa để bắt kịp với sự chuyển động của thanh niên. Cần đặc biệt chú trọng xây dựng và triển khai mạnh mẽ các mô hình giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, các mô hình sinh hoạt chi đoàn nông thôn.
Nhà nước cần đầu tư hợp lý nguồn kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vốn phát triển kinh tế gia đình, các điểm vui chơi, sinh hoạt giải trí đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên nông thôn. Có như thế mới giữ được lửa cho phong trào đoàn, phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trong đảm nhận những việc khó, việc mới.
Thu Huyền