Và khi lớn khôn cắp sách đến trường, ai cũng thuộc câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Càng đi xa, càng thấy tổ ấm gia đình chắp cánh cho mỗi người làm nên sự nghiệp có ích cho nước, cho dân. Những người làm nên sự nghiệp lớn ai cũng đều thừa hưởng tinh túy của gia đình, tình thương và lời dạy của cha mẹ. "Anh em như thể chân tay", "thương người như thể thương thân" - những điều đơn giản mà sâu sắc ấy đã gieo vào lòng một lẽ sống, một nguồn mạch nhân văn. Các danh nhân thường xuất phát từ gia đình có nề nếp, gia phong, tiếp thu tư tưởng nhân văn từ người cha và lời dạy hiếu thảo của người mẹ. Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi (đi theo cha khóc lóc thảm thiết): "Hãy quay về trả thù nhà, đền nợ nước cho xứng với chí nam nhi". Bác Hồ năm 1911 rơi nước mắt trước cảnh nước mất nhà tan rời bến cảng Nhà Rồng, tìm đường cứu nước, đã tiếp thụ từ nhỏ tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mà làm nên sự nghiệp lớn. Và biết bao người đã tiếp thu truyền thống của gia đình làm vẻ vang cho nòi giống. Người Singapore có ngày báo hiếu cha mẹ. Ngày đó, dù ở đâu, làm gì cũng về gặp cha mẹ bằng tấm lòng hiếu thảo. Giàu có như Nhật Bản, hơn nửa thế kỷ qua đã làm nên bước tiến kỳ diệu về kinh tế, giờ đây ra sức tìm lại những giá trị truyền thống, tổ chức lễ Obon, như nhớ công ơn của những người sinh thành ra mình. Ở Việt Nam ta có lễ Vu Lan (15-7) nhân ngày "xá tội vong nhân". Sự báo hiếu với cha mẹ bao giờ cũng là nghĩa và luật sống ở đời "cha mẹ hiền lành để đức cho con" và cảnh báo "cha ăn mặn, con khát nước". Xã hội ngày nay đã khác xưa xa lắm, ăn ngon, mặc đẹp, tiện nghi đắt tiền, nhưng không ít người xem nhẹ đạo đức, lễ giáo. Coi thường những gì quá khứ để lại mà không thấy, không nhớ quá khứ, như thế thì làm sao có hiện tại vinh quang. Nhiều người ngộ nhận rằng, cứ có những tòa nhà to, những mạng thông tin nối khắp toàn cầu là có thể làm vừa lòng con cái và người thân, mà không thấy sự ấm cúng trong gia đình như một lẽ không thể thiếu. Không ít người lắm tiền sa vào những thú vui trần tục, bỏ mặc vợ con. Không thiếu những gia đình no đủ, con cái cần gì có nấy nhưng lại lao đầu vào cờ bạc, nghiện hút. Họ cầu lạy trước cửa đền, van xin trời ban lộc, nhưng lại nhốt cha mẹ leo lắt trên tầng cao với khẩu phần cơm hộp mang đến. Tệ hại hơn, anh em kiện nhau ra tòa đòi chia tài sản, đẩy cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Hiện nay rất ít gia đình còn ba, bốn thế hệ sống chung vì lý do con cháu thích tự do, ở chật chội... Cha mẹ nào chẳng cần đồng tiền khi túng thiếu, thuốc thang khi ốm đau, bệnh tình có con chăm sóc. Con cái gần cha mẹ được kế thừa điều hay lẽ phải đúc kết cả đời truyền lại. Bố mẹ nào về già chẳng khó tính, nhưng đều mong muốn bước đi của con cái mình đừng trật "đường ray" lẽ phải cuộc đời. Cái thiệt thòi lớn nhất là con cái không tiếp thu được nề nếp, truyền thống của gia đình họ tộc, cũng có nghĩa là văn hóa gia đình bị lãng quên. Gia đình là sự kết tinh nhiều đời tạo thành nhân cách và lòng tự hào dân tộc, là quá trình gạn lọc, kế thừa và đào thải những gì không phù hợp. Cứ nhìn nếp sống của nhiều gia đình nề nếp, con cháu lễ phép, tôn trọng người thân, giữ được một nét văn hóa giao tiếp ứng xử, chúng ta sẽ thấy đâu là giá trị cần được gìn giữ và hướng tới. Chúng ta nói đạo đức xuống cấp, song bắt nguồn từ đâu lại không làm rõ, phần lớn sống theo kiểu "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Phải chăng giá trị gia đình đã bị xem nhẹ? Gìn giữ và phát huy các giá trị gia đình truyền thống, nên được nhìn nhận và đầu tư như một kế sách quan trọng của đất nước.
Tiến sĩ DOÃN QUANG THIỆN