Mặc dù đã được thông báo từ rất sớm và rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời Nhà hát chèo Ninh Bình - đơn vị chủ trì đã có văn bản gửi về các huyện, thành, thị nhưng cũng chỉ có một số lượng khiêm tốn thí sinh tham gia. Câu hỏi đặt ra là phải chăng giới trẻ ngày nay đang ngày càng thờ ơ với sân khấu chèo truyền thống?
Hội thi năm nay có 11 thí sinh tham dự, được tuyển chọn từ các địa phương trong tỉnh, những đơn vị có nhiều thí sinh tham gia vẫn là Yên Mô, thị xã Tam Điệp. Các thí sinh thể hiện 2 nội dung thi: Làn điệu Lới lơ (bắt buộc) và một làn điệu tự chọn. Ban giám khảo đã trao giải nhất cho thí sinh Trần Ngọc Giang (thị xã Tam Điệp). So với các năm gần đây thì năm nay số lượng thí sinh dự thi ít nhất, chất lượng cũng không khá hơn các năm trước. Các đơn vị, địa phương vẫn chưa có sự đầu tư cho thí sinh. Các thí sinh đến với chèo còn hời hợt và có thể nói là không có kế hoạch. Vì vậy, các giọng hát mới chỉ ở mức độ hoang sơ, mộc mạc, thiếu phần kỹ thuật cơ bản, có thí sinh hát sai rất nhiều nhịp phách và cao độ. Nhiều thí sinh đã từng thi ở các năm trước nhưng vẫn không vượt qua được chính mình. Một cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao Nho Quan cho biết: Rất khó có thể chọn được thí sinh tham gia "Hội thi giọng hát chèo hay", trong khi đó nếu là cuộc thi ca nhạc thì số lượng thí sinh dự thi phải tuyển chọn qua mấy vòng.
Nét đẹp chèo truyền thống. Ảnh: T.M
"Hội thi giọng hát chèo hay" năm nay đã được rất nhiều cơ quan chức năng liên quan quan tâm và khá đông quần chúng đến với lễ hội chờ đón. Song có một thực tế là những người quan tâm đến nghệ thuật chèo hầu hết là người cao tuổi. Còn giới trẻ thì bị cuốn hút bởi những trò chơi mới lạ, sôi động… nên thờ ơ với sân khấu chèo truyền thống. Trần Thu Hoài 16 tuổi (Yên Mô) nói: "Đến lễ hội em mới biết có "Hội thi giọng hát chèo hay". Em không quan tâm lắm đến hội thi này". Có lẽ đây là suy nghĩ của số đông bạn trẻ khi đến lễ hội. Lê Thị Hồng (thị xã Tam Điệp) cho biết: Mặc dù em cũng rất yêu nghệ thuật chèo và biết hát một số làn điệu nhưng bây giờ mà lên lớp hát mấy điệu chèo cho các bạn nghe thì mọi người sẽ cười là em "quê mùa". Hơn nữa muốn phát triển giọng hát chèo của mình cũng chẳng có ai giúp đỡ. Em chỉ là một số ít những người yêu chèo và thích nghe chèo, các đĩa nhạc trẻ bây giờ bày bán tràn ngập thị trường, rất ít người nghe hát chèo.
Mấy năm trước hội thi còn thu hút được khá nhiều nhân tố mới, trẻ, có tiềm năng như: Vũ Thị Thu Sợi, Lê Thị Phúc (Yên Mô)… nhưng năm nay những thí sinh này đã vắng bóng. Lý do mà một số người đưa ra đó là các thí sinh đó đã có nhiều giải nên tham gia sẽ không có ai vượt qua. Nhưng đó có phải lý do cơ bản hay những người có năng lực thực sự ấy chưa được một sự "nâng đỡ" nào xứng đáng để phát triển tài năng nên không còn mặn mà với các hội thi giọng hát chèo?
Bà Nguyễn Thị Bình, quyền Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình cũng tỏ ra lo lắng: "Qua hội thi năm nay, không chỉ tôi mà tất cả những ai yêu quý bộ môn nghệ thuật chèo phải thấy lo lắng. Liệu sân khấu chèo có lực lượng trẻ để kế thừa làm rạng danh như vài chục năm trước đây". Một diễn viên của Nhà hát chèo Ninh Bình tâm sự: Làm diễn viên chèo gian nan lắm mà thu nhập lại thấp, quá chênh lệch so với diễn viên các loại hình nghệ thuật khác, nhất là nhạc trẻ, nhạc hiện đại.
Qua hội thi này chúng ta cùng nhìn nhận lại một thực tế, làm gì để Ninh Bình xứng đáng là cái nôi của nghệ thuật chèo mà bấy lâu nay những bậc tiền bối đã gây dựng. Điều này cần có sự quan tâm nhiều hơn và có sự vào cuộc thiết thực của các cấp, các ngành liên quan.
Nguyễn Thơm