Thời gian gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ đã tạo nên sự bức xúc trong dư luận và đặt ra những bài toán cần lời giải đáp cho các nhà quản lý. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đi sâu tìm hiểu, phản ánh về một bộ phận thanh, thiếu niên như thế, đó như một lời cảnh báo với toàn xã hội
Những ma trận quyến rũ
Tuổi trẻ - lứa tuổi của những khát khao kiếm tìm cái lạ, dễ bị hấp dẫn bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài nên cũng rất dễ nhiễm những "virus" độc hại đang tồn tại trong xã hội, vấn đề là sức "đề kháng" của thanh, thiếu niên rất yếu ớt, một khi bị những virus này tấn công, có thể để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến tương lai. Nếu như những năm trước đây việc sử dụng Internet còn xa lạ, mới mẻ với các cô cậu học sinh cấp I, cấp II thì thời điểm này với sự bùng nổ mạnh mẽ cùng với lực hấp dẫn của dịch vụ truyền thông hiện đại này, Internet đang dần trở thành những "cơn say" không bao giờ dứt của một bộ phận thanh, thiếu niên và là nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ.
Tại hàng Net T.H (khu vực gần trường Tiểu học Lý Tự Trọng) lúc nào cũng đông người ra vào. Khách hàng chủ yếu là các em học sinh với các trò chơi game online (trò chơi điện tử trực tuyến) và chat (trò chuyện qua mạng). Trong một ngày với hơn 10 máy hoạt động, khách hàng có tới gần 50 lượt, trong đó chủ yếu là khách quen và có nhiều người ngồi thâu đêm suốt sáng. Điều đáng nói là tại cửa hàng này có những em dưới 14 tuổi vẫn có thể vào chơi mà không có người đi kèm, thời gian hoạt động của cửa hàng "bất kể giờ giấc". Khoảng 10 giờ cửa hàng đóng cửa nhưng bên trong là một thế giới sôi động của những game online, những trò chuyện trực tuyến, những web "đen" vẫn diễn ra bình thường. Để phục vụ cho nhu cầu "không biết mệt mỏi" của các thượng đế này, chủ cửa hàng luôn có sẵn đồ ăn đêm phục vụ tại chỗ. Và nếu lực lượng chức năng có đi kiểm tra thì có lẽ cũng phải "bó tay" trước những chiêu thức kinh doanh kiểu này.
Theo thống kê của Sở Thông tin, truyền thông, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 92 đại lý Internet công cộng và 7.307 thuê bao cá nhân. Nếu đem số liệu từ cửa hàng trên nhân với 92 đại lý cộng với các thuê bao cá nhân thì có thể thấy sức lôi cuốn mạnh mẽ của loại hình dịch vụ truyền thông này đã xâm nhập vào một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên. Game online đã trở thành "mốt thời thượng". Điều đáng nói là chưa một cơ quan nào kiểm duyệt nội dung của các game này trước khi đưa ra sử dụng nên chưa thể tính được tính bạo lực, những pha hành động của các trò chơi này đến đâu. Nguy hiểm hơn cả là trong các game này đều ghi rõ là dành cho tuổi 18+ nhưng theo quan sát của chúng tôi những khách hàng ngồi thâu đêm suốt sáng dán mắt vào màn hình lại đa số là các em học sinh chưa đủ 18 tuổi.
Làm một phép tính nhỏ là mỗi ngày trung bình học sinh mất 5 tiếng chơi điện tử đồng nghĩa với mỗi ngày tiêu tốn 10 đến 15 nghìn đồng. Có hàng chục lý do để có tiền ngồi vào hàng Net: Tiền học thêm, tiền học phí, quỹ lớp, quỹ đoàn… cứ xin tiền bố mẹ rồi nướng vào hàng điện tử. Đến khi bố mẹ biết thì "sự đã rồi" đành phải nộp tiền lần 2 lần 3 cho con nếu không muốn con mình bị thôi học. Và khi đã lao vào trò chơi này thì dường như không có điểm dừng, như đi vào một ma trận không lối thoát. Cảnh tượng học sinh ngồi trong các quán chat dán mắt vào màn hình và mẹ đi tìm con ở quán chat là không ít.
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, tổng số học sinh bỏ học đầu năm 2008-2009 là 1.291 học sinh. Trong số hơn 1.000 trường hợp bỏ học này không biết có bao nhiêu em bị những ma trận trên Internet lôi cuốn, rủ rê. Chỉ có đối tượng duy nhất có lợi từ những niềm đam mê mù quáng, không thể kiểm soát này là những chủ cửa hàng Internet. Họ chỉ việc ung dung thu tiền của những con thiêu thân đang tự đốt cháy mình. Đã có những cảnh bố mẹ khóc lóc với những chủ cửa hàng rằng "nếu cháu nhà tôi có vào đây xin đừng cho nó vào, nó còn phải học" nhưng ngày hôm sau họ thấy con mình vẫn ngồi trong đó. Nhiều học sinh từ cấp I đến cấp III say sưa với Net như một ma trận kỳ quái đầy sức cuốn hút để lại sau lưng hậu quả là những lần đi bụi, bị đình chỉ học vì nghỉ quá số tiết quy định, những mảng kiến thức trống và nguy hiểm hơn cả những hiểm họa như "cứu net" hay những giọt nước mắt khi phải trở thành những ông bố, bà mẹ ở tuổi còn đang phải cắp sách đến trường… đang ngày một gia tăng khi Internet song hành cùng học đường.
"Văn hóa đen" xâm nhập học đường
Một người mẹ đã bị sốc khi phát hiện cậu con trai mới học lớp 9 mang phim sex về nhà. Theo lời kể của chị, một hôm chị tình cờ phát hiện trong cuốn vở của con trai mình (học sinh lớp 9 trường THCS.LTT) một đĩa CD mô tả cảnh phòng the với nhân vật là các nhân vật hoạt hình. Sau khi nói chuyện với con, chị giật mình khi con mình nói "những loại phim kiểu này bạn bè lớp con truyền tay nhau xem từ hồi lớp 8…". Qua tìm hiểu tại các trường học trên địa bàn thành phố và một số gia đình có con em nghiện Net, chúng tôi nhận thấy một thực trạng giới trẻ đã bắt đầu tò mò tìm hiểu "chuyện người lớn". Nếu như trước đây, học sinh chỉ chuyền tay đọc lén những cuốn truyện có nội dung xấu, thì nay với sự phát triển của công nghệ thông tin "học sinh lớp 6 nếu rành kỹ thuật đều có thể tiếp cận với truyện hoặc phim ảnh có nội dung không phù hợp từ Internet" - một giáo viên dạy Tin học tại thành phố Ninh Bình cho biết. Không ít trường hợp học sinh gửi mail hoặc gửi file trong Yahoo cho nhau, chia sẻ những video clip "đen" được download từ trên mạng. Còn một số trường hợp khác lại sử dụng hình thức "bắn bluetooth" qua điện thoại những đoạn phim nóng bỏng. Điều đáng nói là nguồn "văn hóa đen" các em có thể lấy rất dễ dàng từ các hàng điện thoại di động, các cửa hàng Internet trên địa bàn. "Văn hóa đen" với những ấn phẩm đồi trụy đã xâm nhập vào học đường và kéo theo sau đó là vấn đề tình dục ở tuổi vị thành niên. Sự tò mò, muốn khám phá những cảm giác mới, muốn thử một lần cho biết đã đẩy nhiều em đến cảnh đi "tam mao" rồi phải trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ ở tuổi vị thành niên.
Chị N.H, công tác tại Trung tâm sức khỏe sinh sản vị thành niên cho biết: "Trung bình mỗi tuần Trung tâm xử lý nạo hút thai khoảng 4 đến 6 trường hợp, trong đó có những em còn rất trẻ, chỉ độ 14, 15 tuổi nhưng vẫn khai là 20 tuổi và là học sinh. Chúng tôi không có đủ thẩm quyền để bắt các em phải xuất trình giấy tờ tùy thân để nắm đúng độ tuổi nhưng nếu làm căng thì các em sẽ đến các phòng khám tư nhân…". Chị L.T.B.T, chủ một phòng khám sản khoa trên đường Hải Thượng Lãn Ông cho biết, tại phòng khám của chị trung bình mỗi tuần có từ 10 đến 15 ca nạo phá thai ở đủ mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là thanh niên. Trên địa bàn thành phố Ninh Bình, sơ sơ cũng có 4 phòng khám sản khoa, nếu phòng khám sản khoa nào cũng như thế, trung bình mỗi tháng có khoảng trên dưới 80 ca nạo hút thai. Những con số trên đủ để những người quan tâm phải giật mình, báo động tình trạng tình dục trước hôn nhân ở tuổi vị thành niên và kéo theo nó là những ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm sinh lý đối với các em sau này.
Những "cơn say" không dứt
Trong quá trình thâm nhập thực tế để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã trò chuyện với nhiều đối tượng đã được đề cập đến trong phần 1, là những học sinh đêm ngày chỉ biết đến điện tử, là những "tín đồ" trung thành của "Chat", là những người đã từng bỏ nhà những người đã từng trở thành những bà mẹ trẻ bất đắc dĩ… Điểm chung là họ đều là những học sinh cấp II, cấp III với sự hiểu biết về kiến thức xã hội, đặc biệt là vấn đề tình dục còn hạn chế. Tự đánh mất mình, đánh mất tương lai của mình nhưng họ không hề hay biết và coi đó là những niềm đam mê kỳ diệu, một lối sống mới mà họ coi là "phù hợp với thời đại ngày nay". D (học sinh lớp 8 trường THCS LHP) say mê chơi điện tử đến mức quên ăn quên ngủ và quên cả học. Nhìn bố mẹ em, mặc dù bận rộn công việc kinh doanh nhưng ngày nào cũng lang thang ở các hàng Net để tìm con mới thấy sự bất hạnh của gia đình này. Bố D nói với chúng tôi, nếu không cho nó chơi thoải mái thì nó sẽ đi bụi, lúc ấy còn tồi tệ hơn, sẽ bị nhấn sâu vào trong những tệ nạn xã hội, thà ngày nào cũng đi tìm như thế này còn hơn. Còn con trai anh Q.C (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) thì bỏ nhà đi bụi đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống, cứ đi hết tiền rồi về và bố mẹ đành bất lực và thốt lên: "Không hiểu chơi điện tử có gì mà thu hút chúng nó đến thế!...". Anh cung cấp cho chúng tôi nick của con trai anh là firstlady92...
Tìm hiểu nick này trong giới game thủ, chúng tôi được biết đây là một tên tuổi khá nổi tiếng với những trận đánh "đỉnh cao", được nhiều kẻ trong giới tâm phục, khẩu phục. Theo như tâm sự của game thủ này, trung bình mỗi ngày cậu dành khoảng 8 đến 10 tiếng online, ngày nào ít nhất là 5 tiếng, còn ngày nhiều nhất là 24/24. Địa chỉ thường xuyên của cậu chính là những hàng "Net" với những ông bà chủ dễ tính, sẵn sàng cho nợ tiền khi chơi. Chúng tôi hỏi em tại sao lại say mê game đến mức bỏ nhà, trốn học như thế, em nói giọng tỉnh bơ: "Game và cuộc sống ngoài đời là 2 thế giới khác hẳn nhau. Trong game em thấy mình mạnh hơn, tự tin hơn, được mọi người tôn trọng và cảm thấy "Vip" hơn…". Có lẽ đó cũng là tâm sự chung của những "tay" nghiện game online.
Còn G.H (học sinh lớp 9 trường THCS LTT) nổi tiếng trong giới học sinh thành phố Ninh Bình với những nickname khó hiểu và thay đổi liên tục. H thường xuyên có mặt tại một cửa hàng Net trên đường Quyết Thắng không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ học, lúc nào thích thì online. H nói với chúng tôi, lý do em nghiện "Chat" là vì không ai hiểu em thì em tìm đến mạng. Nơi đây em đã gặp những người hiểu em, những người em có thể tâm sự… Và bước chân vào thế giới ảo, em tự tách mình ra khỏi thế giới thật với những cuộc đị bụi cách tuần một lần, dần dần trở thành thói quen không thể bỏ.
Lao vào những cạm bẫy
Ở nhà cũng như ở trường H không chơi với bất kỳ ai, em bỏ giờ, bỏ học thường xuyên, bao nhiêu tiền bố mẹ cho đều nướng vào "chat chít". Và cái gì đến đã đến, cách đây không lâu, H bị bắt tại một quán cafe cùng 4 người bạn nữa vì tội sử dụng thuốc lắc và thuốc kích dục trái phép. Trở về nhà sau khi đã được gia đình bảo lãnh, H trở nên lì lợm hơn. Với giọng nói bất cần H trả lời chúng tôi khi được hỏi lý do tại sao em lại sử dụng thuốc lắc: "Tại em thích, tại bạn bè rủ, tò mò muốn thử xem cảm giác thế nào…". Và không lâu sau đó H lại bỏ nhà ra đi. Người mẹ có đứa con hư trò chuyện với chúng tôi: "Trước đây nó là một đứa ngoan ngoãn, dễ bảo, vậy mà từ khi học lớp 7, dính vào "chát chít" là hỏng hẳn. Gia đình chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp, tâm sự có, khuyên giải có, thậm chí có lúc bố cháu giận quá đã cạo trọc đầu để nó không đi nữa nhưng nó không chịu. Gia đình chúng tôi bất lực rồi...". Tiếng thở dài của người bố, giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ làm chúng tôi cảm thấy xót xa về một em học sinh còn rất trẻ đã tự đánh mất mình.
Chúng tôi cũng đã có dịp trò chuyện với "đôi vợ chồng trẻ" mới học lớp 11 tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Vì tương lai đứa trẻ, hai học sinh này đã quyết định kết hôn mà không có sự cho phép của chính quyền vì chưa đủ tuổi. Điều đáng tiếc là học lực của các em không đến nỗi nào, tương lai đang mở rộng phía trước nhưng đã phải từ bỏ sự nghiệp học tập trở thành những ông bố bà mẹ bất đắc dĩ. Trong sự e dè khi tiếp xúc với chúng tôi, người vợ trẻ nói là hạnh phúc nhưng cũng đôi chút luyến tiếc "giá mà chúng em không vội vàng như thế". Thế nhưng đó còn là một kết thúc có hậu bởi rất nhiều em học sinh khi không có tiền vào các quán "Chát" đã chọn cho mình giải pháp "cứu net", để lại đằng sau những hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tâm hồn. T là con gái một gia đình giàu có, cha mẹ giữ con như giữ vàng, không cho tiền tiêu xài hoang phí vì nghĩ rằng không có tiền con sẽ không thể đi "chat". Nhưng để phản ứng lại quyết định cứng rắn của bố mẹ, T đã đi bụi và nơi cô bé đến là ngôi nhà đi thuê của anh chàng người yêu đang học ở một trường dạy nghề. Sau mấy ngày tràn ngập trong hạnh phúc với anh chàng của mình, T đã cay đắng trở thành bà bầu ở cái tuổi còn đang đi học. Còn anh chàng người yêu của T thì nhanh chóng thoái thác nhiệm vụ do "sống mấy ngày anh thấy chúng mình không hợp nhau". Và T đã phải sang tỉnh khác để giải quyết cái thai ấy, tránh sự dò xét của mọi người.
Rơi vào những cạm bẫy đáng tiếc trong cơn lốc Net phần lớn là do các em trong lứa tuổi vị thành niên chưa nhận thức đúng đắn về vấn đề tình dục, vấn đề sức khỏe vị thành niên. Bên cạnh đó, một số em do đua đòi theo bạn bè, bị lôi kéo, lợi dụng dẫn đến tình trạng số vụ việc liên quan đến tình dục tuổi vị thành viên ngày một gia tăng, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên có chiều hướng buông thả. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự chung tay giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan và của toàn xã hội.
Tiếng nói của nhà quản lý
Có thể khẳng định: Sự xuống cấp trong lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay là một bài toàn khó, cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm vì có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan. Khi làm việc với các sở, ngành liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đều nhận được câu trả lời chung, trước hết phải là vai trò của gia đình sau đó mới đến xã hội. Đành rằng như thế là không sai, nhưng các cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý không, các sở, ngành đã làm hết chức trách, nhiệm vụ chưa?
Trao đổi với đồng chí Lâm Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý mạng Internet trên địa bàn, chúng tôi được biết, trước đây việc truy cập vào các trang web "đen" tại các đại lý công cộng là không dễ dàng bởi có hệ thống "tường lửa", nhưng bây giờ hệ thống ấy đã được gỡ bỏ với nguyên nhân là làm chậm tốc độ truy cập, hạn chế số lượng người tham gia. Có những cửa hàng cài đặt "tường lửa" nhưng lại dễ dàng đưa mật khẩu cho khách nếu khách có yêu cầu. Sở TT-TT chỉ làm công việc kiểm tra các đại lý kinh doanh Internet, nếu có vi phạm thì xử phạt hành chính.
Đồng chí cũng cho biết thêm, Sở nắm được một số cửa hàng có hiện tượng để cho khách hàng truy cập vào các trang web không lành mạnh nhưng không bắt được quả tang, vì khi đến nơi mọi dấu vết đã được xóa sạch. Một số cửa hàng hoạt động quá giờ nhưng vẫn không bị xử phạt vì khi các cơ quan chức năng đến chủ cửa hàng đóng cửa treo biển "hết giờ", nhưng thực ra bên trong các hoạt động chơi game, chat vẫn diễn ra bình thường và số lượng truy cập vào các trang web "đen" chủ yếu là các thuê bao cá nhân, rất khó có thể kiểm soát được. Nắm được thực trạng này nhưng hướng giải quyết chỉ có thể là tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh việc phối hợp với các sở, ngành khác, thì xem ra vai trò, trách nhiệm của ngành chủ quản còn có phần hạn chế.
Trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, chúng tôi được biết: Công tác quản lý học sinh của ngành Giáo dục, sự phối hợp với gia đình chưa được chặt chẽ, nhưng giải pháp mà Sở đưa ra cũng rất "vĩ mô", như: Xây dựng giáo án về văn hóa dân gian để giảng dạy trong các cấp học, đẩy mạnh việc xây dựng trường học tích cực, học sinh thân thiện, đổi mới phương pháp dạy và học… Đồng chí Mai Văn Tuất, Bí thư Tỉnh đoàn thì cho rằng, trong thời gian qua, Đoàn đã làm được nhiều việc giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, như đẩy mạnh cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác", tổ chức các buổi giao lưu, các diễn đàn "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao… Đồng chí Mai Văn Tuất cũng nhấn mạnh với chúng tôi rằng, những em học sinh bỏ học, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống hầu hết là không nằm trong tổ chức Đoàn, Hội, Đội nên vai trò của gia đình là cao hơn cả.
Hướng đến lối sống đúng
Tham gia vào các phong trào tình nguyện để rèn luyện bản thân.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các sở, ngành cần nhìn thẳng vào sự thật để chung tay cùng giải quyết vấn đề về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh, thiếu niên dưới tác động của Internet để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, mang tính chiến lược, dài hơi chứ không chỉ trên văn bản giấy tờ. Để làm được điều này không phải một sớm một chiều, mà các nhà lãnh đạo cần bàn bạc cùng đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài trên cơ sở tìm hiểu kỹ thực trạng tình hình thanh niên trên địa bàn để xây dựng lớp thanh niên mới vừa hồng vừa chuyên theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Trước hết, cần "đa dạng hóa" công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về đạo đức, lối sống để có "sức đề kháng" với những mặt trái của Internet; biểu dương những gương thanh, thiếu niên tiên tiến, có nhiều thành tích trên các lĩnh vực để khuyến khích các em học sinh nỗ lực noi theo. Các cơ quan chức năng liên quan, bên cạnh việc phân định rõ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thì phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó cần tổ chức thanh kiểm tra thường xuyên và đột xuất, có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm các quy định về kinh doanh, sử dụng Internet trái pháp luật, có biện pháp xử lý đối với những cán bộ chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các chủ đại lý Internet bằng việc tổ chức ký cam kết không hoạt động quá giờ, không cho phép truy cập vào các trang web không lành mạnh…; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc thu hút, tập hợp thanh niên, đưa các em vào các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích. Đây là một vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Bài, ảnh: Quỳnh Thu