Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết việc tổ chức lễ hội làng ở huyện Yên Khánh có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần của bà con?
Đ/c Tạ Quang Thao: Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 194 đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Số đình, chùa, nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa là 56, trong đó 12 di tích Quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh. Một số địa phương trong huyện tổ chức lễ hội hàng năm như: xã Khánh Hòa, Khánh An, Khánh Vân, Khánh Lợi, Khánh Hồng, Khánh Nhạc, thị trấn Yên Ninh… Quy mô lễ hội chủ yếu là lễ hội làng, (riêng lễ hội Chùa Dầu tổ chức cấp xã). Việc tổ chức lễ hội đã được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo đảm bảo đúng thời gian quy định, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội. Thời gian tổ chức lễ hội tập trung chủ yếu từ đầu xuân năm mới và kết thúc trong tháng 3 âm lịch.
Đa số, những lễ hội làng ở Yên Khánh đều có từ rất lâu đời bởi vậy mà đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi "về nguồn" ý nghĩa của biết bao thế hệ. Nét độc đáo ở mỗi lễ hội làng ở Yên Khánh đó là dù cuộc sống ngày càng hiện đại song mỗi người đều mong muốn được thành tâm dâng lên nơi thờ tự một vật phẩm do chính tay mình làm ra. Người thì dâng hoa, quả được trồng ở vườn nhà; người thì dâng đĩa xôi hay con gà, cũng có người thì tỉ mẩn làm những đĩa bánh nếp để thành tâm dâng lên trong ngày làng mở hội với ước vọng một năm mới dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Những người thôn quê hồn hậu ấy cũng vui hết mình với những hoạt động sôi nổi trong lễ hội, đặc biệt là những hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống…
PV: Lễ hội làng ở Yên Khánh đã được tổ chức như thế nào để vừa giữ gìn được nét văn hóa đặc sắc lại vừa văn minh, tiết kiệm?
Đ/c Tạ Quang Thao: Để những ngày hội làng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt, những năm qua, huyện Yên Khánh đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích. Huyện cũng chỉ đạo các xã nơi tổ chức lễ hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc bảo vệ di tích. Đặc biệt, với quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27- CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Yên Khánh quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và đã mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần giáo dục môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Tất cả các lễ hội khi tổ chức phải được UBND xã, thị trấn ra Quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội. Trưởng ban tổ chức do Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban. Các nội dung trong phần lễ và phần hội phải được chuẩn bị chu đáo, hài hòa, phù hợp với điều kiện và phong tục tập quán của địa phương. Việc tổ chức các hoạt động lễ và hội dần đi vào nề nếp ổn định và hình thành các mô hình quản lý phù hợp với từng địa phương. Trong các lễ hội, phần lễ đều được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần hội, các địa phương đều tổ chức lồng ghép các hoạt động tâm linh với hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động thể thao phong phú, sôi động để phục vụ nhân dân trong suốt thời gian mở hội. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự trong lễ hội được đảm bảo, các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động dịch vụ văn hóa trái quy định, các vi phạm di tích đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Các lễ hội đã mang tính xã hội hóa cao. Kinh phí tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương do người dân tự nguyện đóng góp. Số tiền nhân dân địa phương và du khách thập phương công đức đã góp phần vào việc trùng tu, tôn tạo di tích và bảo tồn di sản văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, huyện cũng có chủ trương phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tạo ra các sản phẩm truyền thống để phục vụ cho du lịch như Làng nghề mây tre đan ở Khánh Vân; Làng nghề cói quại xuất khẩu ở Khánh Nhạc, Khánh Hồng; Làng nghề ẩm thực ở xã Khánh Thiện, món ăn đặc sản ở Khánh Thủy; nghề chế biến nông sản ở thị trấn Yên Ninh.
Đối với mùa lễ hội năm 2018, huyện Yên Khánh đặt ra mục tiêu tổ chức lễ hội phải đạt các tiêu chí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ cuối năm 2017, UBND huyện đã lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương có hoạt động lễ hội phải thực hiện tốt việc xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền…
PV: Lễ hội làng là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn và những giá trị văn hóa truyền thống. Đối với Yên Khánh được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Tạ Quang Thao: Đúng vậy, mặc dù là lễ hội truyền thống, song ngày nay hội làng không chỉ thu hút sự quan tâm của lớp người già mà còn là nơi tìm về của bao thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, khi lớp trẻ đi lễ hội thì bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao họ còn có nhu cầu tìm hiểu những tư liệu, những câu chuyện lịch sử về chính ngôi đình, đền, chùa ở làng mình. Đồng thời, họ cũng muốn được tham gia những hoạt động truyền thống, những trò chơi dân gian từ thời cha ông truyền lại.
Để thực sự thu hút được thế hệ trẻ tham gia lễ hội làng, qua đó giáo dục, bồi đắp cho họ lòng tự hào, cách gìn giữ, nâng niu các giá trị lịch sử thì mỗi địa phương đều có cách làm riêng để tạo nên sức hút thực sự cho lễ hội làng mình. Đặc biệt, người già vốn được ví là kho "từ điển sống" của mỗi miền quê, vậy nên nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của các bậc cao niên trong làng trong việc truyền thụ những câu chuyện lịch sử, những trò chơi dân gian cho thế hệ trẻ như: tổ tôm, điếm, đu quay hay tổ chức các chiếu chèo… Bởi vậy, mà từ nhiều năm nay, lễ hội ở Yên Khánh là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp. Là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, củng cố tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về nguồn cội của mình, tạo ra môi trường văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng