Làng Đông Hội, xã Ninh An (huyện Hoa Lư) là một làng cổ được hình thành sớm tại xã Ninh An. Theo tài liệu còn lưu giữ và ký ức của các bậc cao niên trong làng, Đình làng Đông Hội được xây dựng từ thời vua Đinh, gắn liền với quá trình định cư và phát triển của cư dân vùng đất này. Đình làng thờ các vị tướng thời Hai Bà Trưng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngôi đình làng luôn ẩn chứa những nguồn tư liệu quý, vốn văn hóa dân gian được bồi đắp, với nhiều tích truyện, câu chuyện kể liên quan đến các bậc tiền nhân, những người có công trong công cuộc khai khẩn, lập làng.
Ông Nguyễn Văn Tự, Thủ từ Đình làng Đông Hội cho biết: Theo các cụ cao niên trong làng thì hiện nay vẫn còn lưu truyền những câu chuyện kể về thời kỳ khai khẩn ban đầu, những sự kiện lịch sử cả hào hùng và bi tráng. Tại đình làng Đông Hội, nhiều nội dung trên các bức hoành phi bằng chữ Hán - Nôm mang nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa, có ý nghĩa giáo dục các thế hệ người dân trong làng tiếp nối truyền thống lịch sử được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, hiện đình làng Đông Hội vẫn giữ được vẻ đẹp, nét cổ kính và giá trị văn hóa xưa. Không gian văn hóa xung quanh khu vực đình làng vẫn được bố trí hài hòa, mang đủ nét đặc trưng của miền quê Bắc Bộ, gồm cây đa, bến nước, sân đình - những hình ảnh quen thuộc, thanh bình, khác xa với sự ồn ào, náo nhiệt, phát triển theo hướng đô thị ở các vùng quê khác. Đình làng Đông Hội luôn được người dân trong thôn, trong xã trân trọng, tôn thờ và hàng năm đều có trách nhiệm đóng góp, tu bổ để duy trì những nét đẹp văn hóa được bao thế hệ gìn giữ, duy trì.
Đến thôn Tân Ngọc, xã Gia Lập (huyện Gia Viễn) bắt gặp một khung cảnh nông thôn tươi đẹp và thơ mộng, mang nhiều nét đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Người dân nơi đây trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới đã biết gìn giữ, duy trì và bảo tồn, cải tạo nhiều công trình văn hóa tiêu biểu của thôn. Trong đó nổi bật là cây cầu ngói Thượng Gia soi bóng trên dòng kênh xanh.
Theo các bậc cao niên trong thôn, cây cầu ngói được hình thành từ hàng trăm năm nay. Cầu có kết cấu kiểu 5 gian nhà ngói, hai bên lan can cầu được thiết kế như dãy ghế ngồi để người qua lại có thể dừng chân nghỉ ngơi, hóng mát, chuyện trò... Di tích này được người dân trân trọng, yêu quý, coi đây là những "báu vật" của làng, nhắc nhở, bảo ban nhau gìn giữ cẩn thận, bởi đó không chỉ là công trình văn hóa, mà còn là một chứng tích ghi nhận sự phát triển, gắn bó của bao thế hệ người dân quê hương.
Ông Đinh Nguyên Biên, Trưởng thôn Tân Ngọc, xã Gia Lập (huyện Gia Viễn) chia sẻ: Người dân trong thôn rất tự hào và trân trọng giữ gìn những công trình, di tích đã có từ xa xưa. Những năm gần đây, mặc dù kinh tế của địa phương không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, song nếp sống chân thành, mộc mạc, tình nghĩa, cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân trong làng vẫn luôn được duy trì.
Để có được điều này, bên cạnh sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân, có vai trò quan trọng là sự đoàn kết, ý thức của người dân và cộng đồng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biết chọn lọc và giữ lại những di tích, công trình có giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của làng quê, địa phương mình cho thế hệ sau.
Điều dễ nhận thấy ở các làng quê tỉnh Ninh Bình trong quá trình xây dựng nông thôn mới là bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, không chỉ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn trong nền nếp, lối sống của người dân. Điều đáng mừng ở tỉnh Ninh Bình, là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, hầu hết các địa phương đều cố gắng giữ lại và gìn giữ được nét đẹp văn hóa làng, để không chỉ giữ lại những gì cha, ông đã dày công vun đắp, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương, giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước, hồn cốt dân tộc Việt. Từ văn hóa làng đến làng văn hóa và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có ý nghĩa và mối quan hệ khăng khít, gắn bó mật thiết với nhau, tạo điều kiện và song hành cùng bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp đó.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, có 388 di tích đã xếp hạng, trong đó có 307 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới), 5 bảo vật quốc gia, có hơn 39.000 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương. Có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian...
Đến nay, đã kiểm kê được 430 di sản, có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 6 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch.
Các lễ hội truyền thống cũng được duy trì và tổ chức thực hiện nền nếp, khơi dậy, kết nối cộng đồng và bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân. Hàng năm, có hàng chục di tích lịch sử văn hóa được nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ, tôn tạo.
Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
Việc trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa làng chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển đất nước luôn đặt ra, nhằm xây dựng con người mới, nét văn hóa mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: Hạnh Chi