Năm nay, lễ hội đền Thái Vi được tổ chức nằm trong Chương trình chào mừng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), do UBND huyện Hoa Lư tổ chức với quy mô cấp huyện. Theo đó, Lễ hội vẫn được tổ chức với 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các lễ: Mở cửa đền, dâng hương, rước kiệu, tế lễ cổ truyền và lễ tạ. Phần hội bao gồm các trò chơi giải trí, các hoạt động TDTT như: Đua thuyền, thi kéo co, giao lưu bóng chuyền, thi chọi gà, thi cờ người, tổ tôm điếm... được tổ chức tại đền Thái Vi và sân bến thuyền Tam Cốc, thu hút đông đảo du khách tham dự và cổ vũ.
Theo ông Chu Văn Thim, Thủ từ Đền Thái Vi, người làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, người có gần 20 năm trông coi tại ngôi đền thì lễ hội đền Thái Vi thường diễn ra từ ngày 14/3 đến hết ngày 16/3 âm lịch, chính hội là ngày Rằm tháng ba và cứ 3 năm một lần, nhân dân trong vùng lại tổ chức hội lớn (hội Tổng). Đây là một lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc, đề cao lối sống "Uống nước nhớ nguồn" đầy cao đẹp của dân tộc Việt Nam, được người dân Ninh Bình duy trì cho đến ngày nay.
Cũng theo ông Thủ từ đền Thái Vi Chu Văn Thim, lễ hội đền Thái Vi có những nghi thức, nét độc đáo riêng mà không phải lễ hội nào cũng có. Theo đó, hằng năm, vào ngày 28 tháng Chạp, nhân dân thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải tiến hành nghi thức tắm tượng (lễ mộc dục) tại ngôi đền. Tại đây, nước ở giếng Ngọc ngay trước cửa đền được lấy lên và sử dụng trong nghi thức này.
Vào dịp lễ hội, ngay từ chiều ngày 14/3 âm lịch, dân làng Văn Lâm đã làm lễ mở cửa đền rước bát hương thánh ra sân Đình Các. Sáng 15/3 âm lịch là ngày chính hội, các đồ tế khí được mang ra, lau chùi sạch sẽ, rước đặt ở sân rồng cùng các lễ vật khác: Một chiếc bánh dày to, bên trên vẽ hình chim phượng hoàng. Ngoài ra, lễ vật còn có thủ lợn, gà luộc, xôi, hoa quả, oản chuối... Đặc biệt là xôi phải trắng, tượng trưng cho sự thanh bạch, cao khiết. Người dân Văn Lâm còn cúng lên Vua một bát cơm gạo tám và một bát canh rau sắng (rau vi), bởi lẽ trước kia, khi vua Trần Thái Tông tới đây thì xung quanh khu vực đền là những rừng sau sắng tốt tươi. Có thể vì lẽ đó mà nhà Vua đã đặt tên nơi này là Thái Vi.
Nghi thức đầu tiên trong ngày chính lễ là lễ rước kiệu, được thực hiện từ sáng sớm tại Đình Các, xã Ninh Hải. Lễ rước kiệu không chỉ có một đoàn mà có trên dưới 30 đoàn của các xã trên địa bàn huyện Hoa Lư và một số nơi trong tỉnh. Mỗi đoàn thường rước ba cỗ kiệu là kiệu song hành dành cho quần thần, kiệu bát cống dành cho Vua và kiệu võng dành cho vương mẫu hay công chúa. Các kiệu đều được trang hoàng lọng cắm, màu sắc rực rỡ, được những thanh niên vạm vỡ khiêng. Sau hàng kiệu của các đoàn là hàng kiệu khiêng hương hoa, lễ vật. Tiếp đó là phường bát âm, ban tế do ông chủ tế dẫn đầu đi hàng hai, tất cả đều mặc quần áo, mũ mão tươm tất.
Lễ rước kiệu khởi hành từ Đình hoặc Đền của các làng, được rước đến tập trung tại Đình Các, sau đó tất cả được rước vào Đền Thái Vi để tế Vua. Thông thường, đoàn rước kiệu của các thôn trên địa bàn xã Ninh Hải sẽ đi đầu, sau đó là đoàn của thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, tiếp theo là các đoàn rước của thôn khác, xã khác, có cả ở huyện Yên Khánh (đoàn rước của xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, nơi thờ công chúa Trần Huyền Trân, con Vua Trần Anh Tông). Hành trình rước kiệu được diễn ra trong không khí tôn nghiêm, cho đến khi kiệu tiến đến Bài vị của các vị Vua, người ta tiến hành dâng hương hoa, lễ vật.
Trong phần lễ của hội đền Thái Vi, nghi thức tế lễ là một nghi thức vô cùng quan trọng và mang tính trang trọng cao. Mỗi đoàn rước kiệu đều thành lập một ban tế. Thành phần dự tế gồm các cụ cao tuổi, các chức sắc trong làng và thường được thực hiện bởi hàng chục người. Một người đọc văn tế, hai người xướng tế và từ 10 người đứng chầu hai bên để thực hiện việc dâng hương, dâng rượu. Công phu hơn là sau mỗi đoạn tế đều có người nam chơi nhạc cụ, người nữ hát ca trù để tiếp tục dẫn dắt bài tế. Nội dung bài tế nhằm ca ngợi công ơn của các vị Vua đời Trần đối với đất nước, giúp người dân địa phương ôn lại lịch sử dân tộc và du khách đến dự lễ hiểu được ý nghĩa của bài tế.
Sau phần nghi lễ, người dân xã Ninh Hải và du khách dự hội được hòa mình vào các trò chơi tập thể hấp dẫn, sôi nổi, mang màu sắc dân gian truyền thống. Năm nay, BTC Lễ hội đền Thái Vi tổ chức các trò chơi, các hoạt động TDTT như: Đua thuyền, thi kéo co, giao lưu bóng chuyền, các phần thi chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm... tại Đền Thái Vi và sân bến thuyền Tam Cốc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về dự hội và tham quan khu du lịch Tam Cốc - Bích Động dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhiệt tình tham dự và cổ vũ, tạo không khí sôi động cho mùa lễ hội 2018.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, lễ hội truyền thống đền Thái Vi năm nay được nâng tầm lên cấp huyện và do huyện Hoa Lư tổ chức, nhằm tiếp tục tôn vinh và làm nổi bật những giá trị của ngôi đền - di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Thông qua những hoạt động của lễ hội nhằm ôn lại khí thế hào hùng, truyền thống dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; là dịp để người dân tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các bậc vua Trần. Đồng thời lễ hội là nơi thu hút, hội tụ đông đảo nhân dân và du khách gần xa về tham dự; động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục giữ gìn, phát huy và tô thắm thêm truyền thống cha ông, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hạnh Chi