Đã được hai bên gia đình lựa chọn "ngày lành, tháng tốt" để đôi uyên ương Đặng Văn Vương và Đinh Thị Thư ở xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) được về chung một mái nhà, thời gian không còn nhiều, bởi vậy mà đôi bạn trẻ phải tất bật để chuẩn bị những công việc quan trọng cho ngày cưới của mình. Anh Vương cho biết, bây giờ đám cưới ở quê cũng không kém gì ở thành phố. Các dịch vụ như chụp ảnh, phông rạp, cỗ bàn cũng rất sẵn. Tâm lý chung, ai cũng muốn ngày vui của mình thật ấn tượng, thật đáng nhớ trong đời. Tuy nhiên, sự "đáng nhớ" ấy không có nghĩa là xa hoa, hoành tráng. Tôi muốn ngày vui của mình phải đậm nét truyền thống làng quê rất riêng. Bởi thế, ngay trong bộ ảnh cưới, chúng tôi sẽ mặc áo dài, khăn xếp truyền thống để lưu lại ngày vui trọng đại của đời mình. Nhà cô dâu ở gần, vì thế chúng tôi cũng chọn hình thức rước dâu là đi bộ. Hiện nay, ở các làng quê đa số người dân vẫn tổ chức lễ cưới cho con em mình theo đậm nét truyền thống của làng quê: đơn giản nhưng đầm ấm, trang trọng và thiêng liêng. Trước đám cưới hàng tuần, gia đình tổ chức một buổi họp họ. Dù đang trong thời gian bận rộn của mùa vụ, bà con trong họ cũng đến dự họp đông đủ, thể hiện sự tôn trọng đối với gia chủ.Trong buổi họp họ này, gia chủ sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Người có uy tín được giao nhiệm vụ đón tiếp khách, người khéo tay thì giao nhiệm vụ nấu nướng… ai cũng mong muốn tổ chức một ngày vui trọn vẹn cho đôi trẻ. Vui nhất, háo hức nhất có lẽ là đám thanh niên. Nhiệm vụ trang trí khánh tiết được giao cho lực lượng này. Thanh niên trai tráng dựng và trang trí rạp cưới bằng lá dừa, lá thông, nữ thanh niên khéo léo thì cắm hoa… Những cụ già bỏm bẻm nhai trầu, môi đỏ tươi thắm răng hạt huyền thì ngồi bổ cau, têm trầu cánh phượng… mỗi người một nhiệm vụ mà nhịp nhàng, vui vẻ.
Người quê hồn hậu lắm. Giúp việc cho xóm giềng mà cũng nhiệt tình, xăng xái như thể làm việc của chính gia đình mình. Không tổ chức ở nhà hàng và gói gọn trong một buổi như ở thành phố, ở nông thôn việc cưới được bắc rạp từ chiều hôm trước. Đàn ông đến giết lợn, giết gà, còn chị em phụ nữ nhặt rau, vo gạo, đồ xôi… đám trẻ nhỏ thì háo hức ngồi xem ảnh cưới của cô dâu, chú rể. ở quê, người dân thường đi ăn cỗ từ sớm để khi ăn xong vẫn còn kịp đi làm đồng hoặc các việc phụ gia đình. Các bữa cỗ vì vậy thường bắt đầu từ sáng sớm, rảnh rang hơn thì vào khoảng 9, 10 giờ sáng. Vẫn là những người hàng xóm thân quen, nhưng khi đến với nhau, gặp nhau ở mâm cỗ thì chào hỏi, vồn vã, trân trọng như thể lâu lâu mới gặp nhau. Chẳng câu nệ già trẻ, anh em hay xóm giềng, cứ đủ 6 người thì được sắp xếp thành một mâm. Mâm cỗ nhà quê cũng đủ đầy lắm, đủ các thức cho hợp khẩu vị khách. Cỗ ăn không hết người ta gói về làm quà cho những cụ già, trẻ thơ ở nhà không đi ăn cỗ được. Nét độc đáo, là khi ra về, ai cũng cầm một miếng trầu về làm quà cho người già, tình làng nghĩa xóm thêm đầm ấm, bền chặt. Khi cỗ bàn xong, người ta nhanh chóng dọn dẹp để chuẩn bị hội trường đón dâu. Cô dâu ở quê bây giờ cũng mặc váy, nhưng nhiều nơi lại chọn cho mình tà áo dài truyền thống. Nếu nhà cô dâu và chú rể ở gần thì phần lớn đám rước dâu đi bộ và thật chậm như để kéo dài hơn sự quyến luyến lẫn trang trọng. Qua đó, mọi người có thời gian trò chuyện tâm sự làm cho đám cưới náo nhiệt. Nhiều đôi trẻ cũng nên duyên từ những lần đưa-đón dâu ấy. Góp vui vào không khí của hôn trường, đại diện nam thanh, nữ tú hai họ mang đến những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" để chúc mừng hạnh phúc của cô dâu, chú rể… Những nét văn hóa truyền thống tưởng chừng như rất đỗi bình dị ấy lại có sức sống mãnh liệt, trở thành ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời mỗi người về ngày trọng đại ấy.
Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng gia đình và nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thật đáng mừng vì ở các miền quê lễ cưới hỏi theo lối cổ truyền vẫn được nhiều gia đình nâng niu gìn giữ. Nét độc đáo nhất ở các đám cưới làng quê ấy chính là tính gắn kết trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với mỗi vùng, miền… Tuy nhiên, làm thế nào để lễ cưới hỏi vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng cũng loại bỏ được những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp là một việc làm không hề đơn giản. Thời gian qua, cùng với nỗ lực của Đoàn thanh niên các cấp trong việc nhân rộng các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 27-CT/TW "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" (gọi tắt là Chỉ thị 27), coi đây là cuốn "cẩm nang" bổ ích sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cuộc chiến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Các địa phương chủ động xây dựng chương trình, nội dung để thường xuyên tuyên truyền Chỉ thị 27 trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống cổ động trực quan. Đặc biệt, những nội dung của Chỉ thị được chuyển hóa thành các tiết mục văn hóa văn nghệ, biểu diễn trong các chương trình, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận, hiểu sâu sắc hơn việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội một cách lành mạnh, tiến bộ phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc cưới ở các địa phương. Hầu hết các nơi đã loại bỏ hoàn toàn một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu rườm rà, đã rút ngắn thời gian việc cưới xuống chỉ còn từ 1 đến 1,5 ngày. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn từ 2 đến 3 bước là: dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân và gia đình: nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên. ở nhiều thôn, bản, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như không có thuốc lá trong đám cưới đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết.
Nguyễn Hùng