Gặp anh Lương Văn Trịnh, một nghệ nhân tài hoa của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) khi anh đang tỉ mẩn hoàn thiện công đoạn chế tác cuối cùng một cặp nghê cho một khách hàng trong tỉnh. Anh Trịnh cho biết: Kế thừa sự nghiệp của cha ông, nhưng để sự nghiệp không chỉ được thăng hoa bởi niềm đam mê, bằng kinh nghiệm đúc rút, anh Trịnh quyết tâm theo học khoa điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật với mong muốn được áp dụng những kiến thức chuyên sâu vào nghề truyền thống. Được đào tạo bài bản, nên anh Trịnh hiểu rõ giá trị của những sản phẩm, biểu tượng, linh vật Việt và việc sử dụng những sản phẩm ấy như thế nào để đạt ý nghĩa cao nhất. Vì vậy, những sản phẩm của anh Trịnh chủ yếu là linh vật Việt.
Tuy vậy, có những thời điểm lượng khách hàng tới đặt các biểu tượng, linh vật ngoại lai không chỉ để trưng bày ở nơi thờ tự mà còn để trang trí tư gia, vận động khách hàng không được, anh Trịnh cũng đành nhận đơn hàng. Nhưng từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn 2662, anh Trịnh có thêm cơ sở để tuyên truyền, vận động cho khách hàng về việc sử dụng các sản phẩm, biểu tượng, linh vật thuần Việt. Mặt khác, anh kiên quyết không nhận các đơn hàng là linh vật ngoại lai. Anh Trịnh cũng tìm hiểu, nghiên cứu và tích cực tham gia các cuộc hội thảo do ngành Văn hóa tổ chức nhằm trang bị thêm cho mình những kiến thức chuyên sâu về linh vật Việt, từ đó chế tác ra những sản phẩm, biểu tượng, linh vật đạt đến sự tinh xảo về kỹ thuật và chiều sâu về ý nghĩa văn hóa. Do đó, khách hàng đã vui vẻ chuyển sang đặt chế tác các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Việt.
Ông Phạm Đình Thim, Phó phòng Văn hóa- thông tin huyện Hoa Lư cho biết, hiện nay làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có 65 doanh nghiệp và 450 tổ hợp làm nghề đá. Những người chế tác đá cũng chính là người trực tiếp đưa các sản phẩm đến với khách hàng, họ trực tiếp gặp gỡ khách hàng. Vì vậy, họ sẽ là một kênh tuyên truyền để thực hiện quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian qua, Phòng Văn hóa-thông tin huyện Hoa Lư cũng đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Hiện nay, làng nghề không nhận bất cứ đơn hàng chế tác linh vật ngoại lai nào, chỉ còn tồn lại khoảng hơn 500 linh vật các loại do khách đặt hàng từ trước đó. Trong thời gian tới, các nghệ nhân làng nghề đang chờ đợi các nhà chuyên môn thực hiện xuất bản ấn phẩm giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí, biểu tượng truyền thống của Việt Nam dưới dạng sách cẩm nang hình ảnh, bản vẽ để nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, trên cơ sở đó phát huy sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao cho biết: Sau 3 năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2662, đại bộ phận nhân dân đã nhận thức rõ về vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật, đặc biệt là những linh vật sử dụng phục vụ tâm linh. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt đã chấm dứt cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng. Sau những chuyến đi khảo sát của ngành Văn hóa cho thấy, những tượng sư tử đá, tì hưu của Trung Quốc đã dần được người dân loại bỏ không trưng bày trong tư gia, thay thế sử dụng bày đặt tượng nghê truyền thống. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình cũng đã đưa 10 sư tử đá ngoại ra ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, Chùa Nhất Trụ và Đền Đức thánh Nguyễn.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thêm, với tiềm năng sẵn có của tỉnh Ninh Bình, dưới sự hỗ trợ từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương và Trung ương cùng với các cơ quan truyền thông có kế hoạch quảng bá các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các biểu tượng, linh vật đặc sắc mang dấu ấn di sản Ninh Bình, tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống gắn với sản phẩm du lịch địa phương nhằm thay thế các sản phẩm thủ công, biểu tượng, linh vật ngoại lai đang được bày bán tràn lan tại các điểm du lịch của Ninh Bình. Đây là hoạt động thiết thực mừng Đại lễ 1050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018).
Bài, ảnh: Đào Hằng