Tại Ninh Bình, vụ lúa đông xuân 2008-2009 Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai trên diện rộng mô hình lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay ở HTX NN Đông Thượng (Khánh Thượng-Yên Mô) trên diện tích 184ha. Theo ông Ngô Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng thì: Lúa gieo thẳng bằng hình thức này rút gắn thời gian sinh trưởng 14 ngày so với ruộng cấy thông thường. Lúa chống chịu với các đối tượng sâu bệnh tốt hơn. Mật độ cây lúa phân bố đồng đều làm cho rộng thông thoáng; Số bông /m2 cao hơn nên năng suất đạt tới 72 tạ/ha, tăng 20% so với ruộng lúa cấy. Hình thức này còn tiết kiệm được công lao động và một số chi phí khác.
Mới đây Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Gia Viễn triển khai mô hình này tại xã Gia Hưng trên diện tích 30ha, trong đó có 10 ha được hỗ trợ thuốc trừ cỏ cùng 5 giàn gieo kéo tay. Được biết nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã đăng ký, súc tiến thực hiện việc gieo thẳng lúa mùa bằng giàn kéo tay với Trung tâm.
Đồng chí Phạm Văn Trung, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: Gieo thẳng bằng gian kéo tay có những ưu điểm như: giảm lượng giống trên một đơn vị diện tích(từ 25-40%); giảm công lao động cho khâu sản xuất này, cứ 2 người thay nhau kéo từ 15-20 phút thì được 1 sào( tương đương với 1-1,5ha/ngày) và mỗi người như vậy sẽ tương đương với 40 công lao động nhổ mạ và cấy; giảm được chi phí mua nilon che mạ ở vụ đông xuân; Rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa từ 7-10 ngày, tạo điều kiện cho các vụ sản xuất sau. Do gieo với mật độ phù hợp nên lúa đẻ sớm, tỷ lệ bông hữu hiệu cao và năng suất tăng từ 5-10% so với ruộng cấy thông thường.
Tuy nhiên, phương thức sản xuất này cần có vùng sản xuất tập trung và chủ động việc tưới tiêu, điều tiết nước theo yêu cầu. Khâu làm đất phải thực hiện tốt, cày sâu bừa kỹ; ruộng sạch cỏ dại và phẳng; bón đủ phân lót trước khi bừa lần cuối. Việc ngâm ủ giống phải đảm bảo mầm dài hơn rễ; khi mầm đạt 1/3-1/2 hạt giống thì đem gieo; nếu để mầm, rễ dài quá hoặc ngắn quá đều không được hoặc tốn giống.
Khi gieo, kéo giàn theo đúng quy trình kỹ thuật sao cho vết bánh xe lần sau trùng lên vết bánh xe lần trước. Trong và sau khi gieo giữ nước ở rãnh nhằm đảm bảo độ ẩm và tránh dồn mộng khi mưa to. Trong cùng một vùng nên gieo cùng một loại giống với cùng một lô. Nên tổ chức thành tổ, nhóm và thực hiện ngâm ủ giống, gieo tập trung.
Về chăm sóc, bón phân, giảm lượng đạm, tăng kali từ 10-15%; kỹ thuật bón phân theo quy trình hướng dẫn. Riêng về chăm sóc phải thực hiện phun thuốc trừ cỏ bằng các loại thuốc đặc hữu, theo hướng dẫn của kỹ thuật.
Đồng chí Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng cho biết: Đây là một tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp với những yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật khá chặt chẽ. Ngoài ra những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết khí hậu: rét đậm, rét hại; mưa úng; bão gió, lũ lụt…là những khó khăn không nhỏ khi thực hiện phương thức sản xuất này. Hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa đảm bảo được việc tưới tiêu theo yêu cầu. Đồng rộng còn manh mún, sự hợp tác trong sản xuất của nông dân lại chưa chặt chẽ. Hơn nữa với phương thức sản xuất này thì chim, chuột, ốc bươu vàng là những đối tượng gây hại lớn cho lúa… Do vậy cần có sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành bằng việc đưa ra chủ trương, chính sách hỗ trợ. Nâng cao vai trò của ban quản trị HTX làm đầu mối tổ chức các tổ, nhóm dịch vụ thực hiện phương thức sản xuất này cũng như xây dựng các mô hình cho nông dân đến học tập làm theo. Tiếp tục và tạo điều kiện cho các hộ gia đình đổi thửa, dồn điền và nâng cấp các hệ thống tưới tiêu để đảm bảo cho phương thức gieo thẳng được thực hiện rộng rãi.
Bài, ảnh: Đinh Chúc