Báo động tình trạng nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên
Mấy cô nhân viên đang trực ở phòng đón tiếp Trung tâm cho biết: Trung tâm cũng là một trong những địa điểm mà nhiều cô, cậu tuổi học trò tìm đến để giải quyết "hậu quả" nên người ta chẳng còn lạ lẫm gì... Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Phần lớn đối tượng vị thành niên (VTN) đến Trung tâm để nạo, phá thai đều giấu tên thật, địa chỉ thật, chưa có trường hợp nào đến đây có bố mẹ cùng đi, phần lớn là tự đến một mình hoặc do bạn trai đưa đến.
Vào Bệnh viện Sản - Nhi, trao đổi với bác sỹ Lê Thị Mai, Phó trưởng Khoa Sản, được biết: Những năm gần đây, đối tượng nữ sinh vào Khoa để giải quyết "hậu quả" khá đông, có trường hợp mới 15, 16 tuổi. Biết là những trường hợp này hết sức đáng thương, nhưng các bác sỹ cũng không khỏi thầm trách các bạn trẻ không biết giữ mình, có lối sống thiếu lành mạnh, thiếu hiểu biết để rồi "lãnh" hậu quả mà có khi ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tâm lý suốt cả cuộc đời.
Kể về các trường hợp đến giải quyết tại Khoa, các bác sỹ vẫn nhớ rất rõ trường hợp một nữ sinh lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn huyện Hoa Lư. Đang học thì bạn nữ sinh này thấy đau bụng dữ dội, được bạn đưa đến Bệnh viện, các bác sỹ kết luận bệnh nhân này có thai ngoài tử cung lại đang bị vỡ, phải mổ cấp cứu ngay. Không thể giấu bố mẹ nên các bạn cùng lớp đành phải điện thoại cho phụ huynh đến.
Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, năm 2010 toàn tỉnh có 105 trường hợp có thai trong độ tuổi VTN, chiếm tỷ lệ 0,56% tổng số phụ nữ có thai trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Nho Quan và huyện ven biển Kim Sơn. Riêng tại Trung tâm, tỷ lệ VTN - thanh niên đến phá thai năm 2010 chiếm 13,3% trong tổng số người đến phá thai, trong đó trẻ nhất là 16 tuổi. Tuy nhiên, theo bác sỹ Thanh, đây là con số thấp hơn nhiều so với thực tế vì chưa quản lý được tình trạng phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân.
Vấn đề không thể xem nhẹ
Nhớ lại quãng thời gian thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về SKSS cho đối tượng VTN, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Cách đây 5-6 năm, khi tham gia Dự án "Đào tạo về chương trình chăm sóc SKSS" Jica (Nhật Bản) tại 3 huyện làm điểm là: Yên Khánh, Hoa Lư, Gia Viễn, điều đọng lại trong trăn trở của các bác sỹ làm công tác chăm sóc SKSS là: hầu hết các em học sinh ở bậc THCS và THPT (đối tượng là Dự án Jica hướng tới) đều trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng kiến thức về giới tính, về SKSS. Thậm chí, có những buổi nói chuyện tại trường học, nhiều em gục mặt xuống bàn vì xấu hổ. Có em đề nghị nên tách bạn gái riêng, bạn trai riêng để nói chuyện vì.... ngại. Bên cạnh đó, về phía các nhà trường cũng không "mặn mà" lắm với việc tổ chức nói chuyện về SKSS trong môi trường sư phạm. Trong khuôn khổ hoạt động truyền thông, Dự án đã tổ chức được khoảng 25 - 30 buổi nói chuyện cho đối tượng học sinh THCS, nhưng chỉ có 1 buổi được tổ chức trong giờ học chính khóa tại nhà trường, còn lại các buổi khác đều được tổ chức ở địa điểm khác như: hội trường UBND xã, nhà văn hóa...
Tuyên tuyền, GD-SKSS cho lứa tuổi VTN là việc làm hết sức cần thiết.
Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh còn hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về việc nên hay không nên nói cho con cái biết những kiến thức cơ bản về SKSS vì sợ "Vẽ đường cho hươu chạy". Chính vì vậy mà việc chăm sóc SKSS cho bản thân, những kiến thức cơ bản về phòng, tránh thai... ít em nắm bắt và hiểu đúng. Theo nghiên cứu "Thực trạng hiểu biết, thái độ và hành vi chăm sóc SKSS của VTN- TN các xã triển khai mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS- KHHGĐ VTN-TN" của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, năm 2010: chỉ có 65,8% VTN biết về thời điểm có thể gây có thai là xuất tinh lần đầu ở nam và 81% biết là có kinh nguyệt lần đầu ở nữ; 46% biết cách sử dụng bao cao su, tỷ lệ biết cách sử dụng viên uống tránh thai chỉ là 47,1% và hầu hết trả lời không sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, không biết gì về tai biến, biến chứng của phá thai, nhất là phá thai không an toàn.
Hiện nay, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS chưa chú trọng, quan tâm đến lứa tuổi VTN, cả tỉnh mới chỉ duy nhất ở Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh có "Góc thân thiện" với VTN. Bên cạnh đó, ngoài lực lượng nòng cốt là cán bộ y tế, hiện nay mới chỉ có Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên tham gia khá tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục về SKSS cho VTN thông qua mô hình các câu lạc bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, cái khó hiện nay của công tác giáo dục giới tính, giáo dục về SKSS có nhiều nguyên nhân: Về phía đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục SKSS vẫn chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn một cách bài bản, chuyên nghiệp, có khả năng truyền đạt, có năng khiếu giao tiếp để thực hiện nhiệm vụ; Sự phối hợp của chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhà trường... chưa thường xuyên, hiệu quả, chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục SKSS cho đối tượng VTN. Bên cạnh đó, cái khó của công tác giáo dục SKSS còn ở việc... chính đối tượng VTN khi được tiếp cận các thông tin về giới tính, về SKSS còn có thái độ không cởi mở, dè dặt, ngại ngùng, cộng thêm sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh... khiến những nỗ lực "một chiều" của ngành y tế đạt kết quả chưa như mong muốn.
Thực tế cho thấy, nếu cứ "bó gọn" trong phạm vi công việc của ngành Y tế như hiện nay, công tác giáo dục SKSS cho VTN sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này cần sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, mỗi nhà trường, các bậc phụ huynh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ có hại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao sức khỏe, phát huy tiềm năng của VTN.
Bài, ảnh: Bùi Diệu