Ông Tân cho biết: Trước đây cuộc sống gia đình ông rất nghèo khó, cả gia đình 6 người chỉ trông vào cấy 6 sào ruộng. Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi năm 2003 ông bị tai nạn, phải điều trị trong suốt 2 năm, gia đình suy kiệt về kinh tế. Từ năm 2003 đến 2008, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã. Không khuất phục trước khó khăn, quyết định thay đổi phương thức làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, năm 2010 cùng với chút vốn tích lũy được, ông bàn với gia đình vay vốn ngân hàng đầu tư chung cùng gia đình con gái lớn mở trang trại lợn rộng 600 m2, quy mô nuôi 20 lợn nái, vốn đầu tư ban đầu trên 400 triệu đồng. Để có kiến thức chăn nuôi lợn, ông đã dành nhiều thời gian học hỏi qua nhiều kênh, nhờ đó, lợn được chăm sóc đúng kỹ thuật, đẻ nhiều con. Năm đầu tiên, đàn lợn nuôi sinh sản khoảng hơn 200 con, do giá lợn cao nên gia đình đã thu hồi vốn đầu tư. Năm 2012, ông mở trang trại riêng, với quy mô 2.500 m2, nuôi 150 lợn nái, 400 lợn thương phẩm và 7 con đực giống Du100. Hệ thống chuồng trại được xây dựng hiện đại hóa, gồm 150 chuồng hậu bị và 40 sàn đẻ cho lợn nái, 24 chuồng (diện tích 500 m2) cho 400 lợn thịt. Các chuồng được xây dựng cao, sạch, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Máng ăn đầu tư tự động rất tiện lợi, giảm chi phí đầu tư, nhân công. Hiện nay trang trại gia đình tuy lớn nhưng chỉ cần sử dụng 5 lao động thường xuyên, thu nhập từ 5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng về xử lý chất thải chăn nuôi, ngay từ năm 2010, ông Tân đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống bể chứa và xử lý khí thải 2 bình biogas, mỗi bình 25 khối. Phân lợn thải ra xuống 2 bình biogas và qua 6 bể lắng sau đó mới thải ra môi trường. Với việc ứng dụng công nghệ này, 1 năm, trang trại lợn ông Tân thải khoảng 50 khối chất thải, ngoài việc tận dụng khí thải làm biogas phục vụ đun nấu sinh hoạt hàng ngày, ông Tân còn đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch mùi, đàn lợn lớn nhanh như mong muốn, phòng dịch cao, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổng vốn đầu tư xây dựng trang trại lợn của ông Tân hiện nay khoảng 7 tỷ đồng.
Để có thương hiệu và uy tín trong chăn nuôi, ông Tân luôn ưu tiên khâu chọn giống tốt, tiêm phòng vắc xin đầy đủ; các khu chuồng trại được lắp đặt hệ thống dàn lạnh, không khí được lọc qua nước khử trùng; nước uống cho lợn là nước lọc, đảm bảo sạch sẽ. Đặc biệt, để giữ vững thương hiệu đàn lợn thương phẩm, ông Trịnh Duy Tân không chấp nhận sử dụng chất cấm.
Thức ăn mua vào ông đều lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, đa phần thức ăn, thuốc kháng sinh đều là chế phẩm công nghệ sinh học thương hiệu Lebio của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hiện nay, đàn lợn của ông mỗi năm cho xuất chuồng khoảng 60 tấn lợn thịt và trên 2 nghìn con lợn giống, thu về khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi hơn 1 tỷ đồng. Gia đình ông Tân được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thiện "Gia đình tỷ phú" bởi cả ông và gia đình 4 người con gái của ông đều có trang trại lợn lớn trong xã, hàng năm thu lãi cả tỷ đồng/ một trang trại.
Thành công trong chăn nuôi, ông Tân luôn tận tình chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi lợn khi nông dân địa phương cần hỗ trợ. Năm 2014, được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh về nguồn vốn và hướng phát triển mô hình trang trại lợn cho các hội viên nông dân cùng có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, ông đã tập hợp hội viên nông dân thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Tân Tiến.
Lúc đầu, HTX có 28 thành viên, đến nay HTX đã phát triển lên 40 thành viên, hàng năm mỗi hội viên thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Không chỉ tạo điều kiện về giống, vốn, kỹ thuật cho các hội viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Tân Tiến Trịnh Duy Tân còn đảm bảo đầu vào, đầu ra từ cám, thuốc chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Do đó, HTX của ông hoạt động rất hiệu quả, ngày một phát triển.
Với những nỗ lực của mình, năm 2015, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình toàn quốc lần thứ IV. Năm 2016, ông trở thành một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh tại Lễ tôn vinh nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Tiến Minh