Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo các cơ quan y tế trên địa bàn tỉnh.
Qua đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và khả năng thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, ngành y tế đang từng bước hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó 2 chỉ tiêu về: số giường bệnh trên 1 vạn dân và chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã vượt kế hoạch đề ra. Công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng tiếp tục được tăng cường với các biện pháp nâng cao, cải tiến quy trình khám bệnh theo Quy định 1313, thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Đến nay mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp, trong đó bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế. Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, Bộ y tế đã ban hành Chỉ thị 06 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và đang khẩn trương xây dựng và ban hành danh mục thuốc y học cổ truyền, danh mục thuốc tân dược được quỹ BHYT thanh toán. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, nhiều địa phương trong đó có tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT, tỷ lệ dân số cả nước tham gia BHYT tính đến nay đạt khoảng 70%.
Hệ thống y tế dự phòng từng bước được kiện toàn, củng cố nên công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chủ động, tích cực và sâu rộng đến từng địa bàn dân cư. Tỷ lệ bệnh nhân mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm đều giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng đối với bệnh sởi thì tỷ lệ mắc cao, quy mô rộng, với 5.476 trường hợp mắc bệnh, trong tổng số 31.313 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; trong đó có 145 ca tử vong liên quan đến sởi.
Trong 6 tháng cuối năm 2014 và năm 2015, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó tập trung bổ sung hoàn chỉnh một số điều của Luật BHYT, bổ sung một số điều của Luật Dược… Huy động các nguồn vốn để bước đầu đầu tư xây dựng các trung tâm khám, chữa bệnh theo yêu cầu bằng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến để hạn chế người dân phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử tại các đơn vị trong ngành y tế...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận những đóng góp của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Y tế cần phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Xem xét, rà soát các văn bản, chính sách, sớm hoàn thiện các dự thảo Luật và Nghị định theo chương trình của Quốc hội và Chính phủ; Nghị quyết, Đề án về củng cố y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, thiết yếu có chất lượng ở tuyến cơ sở.
Đồng thời đánh giá mô hình tổ chức y tế địa phương để điều chỉnh tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ cho phù hợp; xây dựng cơ chế và hình thức phối hợp giữa các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh ở các tuyến; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa y tế công và tư. Rà soát các khâu trong khám chữa bệnh để tránh tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, lạm dụng trong thanh toán bảo hiểm y tế. Quản lý chặt chẽ việc đấu thầu thuốc và quản lý dược. Bên cạnh đó, chú trọng giảm các đầu mối trong quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu phòng chống bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được quản lý thống nhất và có tính lồng ghép cao; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hồng Vân