Cùng dự còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố và 21 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016.
Hội nghị giao ban được nghe báo cáo thực trạng của các xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016;Thống nhất phương thức tiếp nhận xi măng hỗ trợ xây dựng các công trình; Đại diện các xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới phản ánh những vướng mắc, khó khăn và đề xuất những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Qua đánh giá của các xã đăng ký, đến nay có 2 xã đạt 17 tiêu chí, 8 xã đạt 16 tiêu chí và 11 xã đạt 15 tiêu chí.
Nhiều tiêu chí chưa đạt, còn ở mức cần cố gắng, như: tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa còn 18/21 xã, chiếm 85,7%; tiêu chí trường học chiếm gần 62%; tiêu chí thủy lợi và môi trường chiếm 28,6%; tiêu chí Y tế còn 5/21 xã ...
Tổng nguồn lực cần huy động để thực hiện Chương trình ở các xã ước 877 tỷ đồng, gồm ngân sách cấp trên 451 tỷ đồng, ngân sách xã 229 tỷ đồng, huy động nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn khác ước gần 200 tỷ đồng.
Theo đó, đại biểu các xã đăng ký về đích nông thôn mới cũng nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất ở các địa phương, tập chung là: Các cấp, ngành cần tạo điều kiện để có nguồn xi măng theo phương thức trả chậm cấp về xây dựng cơ sở hạ tầng; Ưu tiên rút ngắn thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn bộ hồ sơ để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch tạo nguồn lực đầu tư...
Thay mặt UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh ghi nhận cách làm, sự nỗ lực ở mỗi địa phương trong việc hưởng ứng Chương trình.
Đồng chí Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đánh giá: Xuất phát là tỉnh còn nghèo, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung sức, chung lòng của quần chúng nhân, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm... đã đưa Ninh Bình trở thành là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Trước những khó khăn, đồng chí nhấn mạnh: Năm 2016, có 21 xã và huyện Hoa Lư đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới cần cố gắng hơn nữa trong sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương để đích nông thôn mới phải đạt chất lượng cả về vật chất và tinh thần.
Trong thực hiện Chương trình, cấp huyện, xã phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân định công việc cụ thể, như: quy hoạch chi tiết, thực hiện dồn điền đổi thửa, lồng ghép các chương trình để xây dựng cơ sở hạ tầng, động viên khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp... tham gia đầu tư, chung tay xây dựng.
Xây dựng nông thôn mới là quan tâm đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; sự tham gia, đóng góp phải phù hợp với sức nhân dân, không để địa phương phải trả nợ xây dựng cơ bản.
Tỉnh cũng đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính, như: điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án quy hoạch, cấp quyền đấu giá đất... để các địa phương có điều kiện thực hiện thuận lợi hoàn thành chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Minh Đường