Thực tế, công tác giảm nghèo đã được thực hiện đồng thời trên nhiều phương diện, từ việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở đến hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo... Từ năm 2015, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 31 quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT từ ngân sách tỉnh cùng với 70% kinh phí Trung ương hỗ trợ để mua thẻ BHYT cấp cho hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tạo điều kiện cho người cận nghèo được hưởng chính sách ưu đãi mua thẻ BHYT như người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Trong năm 2017, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trên 7,3 tỷ đồng để hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo. Vừa qua, HĐND tỉnh tiếp tục có Nghị quyết số 45 quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT) trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo đó, đối tượng này được tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí cùng với 70% kinh phí Trung ương để mua thẻ BHYT. Có thể nói, với những chính sách mang đậm tính nhân văn từ Trung ương tới địa phương, trong năm 2017, toàn tỉnh đã cấp 307.691 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người sống vùng KT-XH đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 136,2 tỷ đồng.
Ngoài chính sách chung theo quy định của Nhà nước, tỉnh cũng đã ban hành và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một phần khám, chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 01 năm 2014 của UBND tỉnh). Theo đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và một số đối tượng khác gặp khó khăn không đủ khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh được hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn và một phần tiền đi lại, vận chuyển bệnh nhân. Năm 2017, đã có 4.301 lượt người nghèo tham gia khám, chữa bệnh với tổng số tiền hỗ trợ hơn 2 tỷ 460 triệu đồng; 102 lượt người thuộc hộ cận nghèo tham gia khám, chữa bệnh với số tiền hỗ trợ hơn 82 triệu đồng.
Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ rộng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo. Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn, trong năm 2017, toàn tỉnh có 277 hộ gia đình đăng ký vay vốn xây, sửa chữa nhà ở và hiện tại đã giải ngân cho 110 hộ vay với số tiền vay ưu đãi là 2.730 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 20 hộ nghèo với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Một điều đáng mừng trong công tác giảm nghèo thời gian gần đây đó là các chính sách trợ giúp đang được chuyển đổi từ hình thức cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện gắn với sự nỗ lực tự vươn lên của từng hộ như cho vay vốn ưu đãi, dạy nghề, hướng nghiệp… Được biết, doanh số cho vay hộ nghèo trong năm qua đạt 75.285 triệu đồng cho 1.703 hộ nghèo được vay vốn, chủ yếu là hộ nghèo phát sinh hàng năm và nâng mức đầu tư cho các hộ nghèo đang còn dư nợ thấp. Doanh số cho vay hộ cận nghèo đạt 113.288 triệu đồng với 2.547 hộ cận nghèo được vay vốn. Người nghèo đã dễ dàng tiếp cận với tín dụng ưu đãi, thủ tục vay đơn giản hơn, số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay. Có thể thấy nguồn vốn ưu đãi trong những năm qua đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào sản xuất, buôn bán… tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh, các địa phương và các ngành trong tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả đã có 17.100 lao động được đào tạo nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%. Tổng kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề năm 2017 là 3.930 triệu đồng; nhiều lao động là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ các chế độ theo quy định. Số lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm hoặc vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh làm cho năng suất lao động tăng chiếm 81,6% so với tổng số lao động đã được đào tạo.
Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo là một trong những hướng đi quan trọng trong công tác giảm nghèo năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Đào Duy