Hiện nay, các làng nghề tại tỉnh ta đang gây ra rất nhiều quan ngại về ô nhiễm môi trường, trong đó chủ yếu là ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước. Đối với môi trường không khí, đã xuất hiện cục bộ ở một số khu vực làng nghề như làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ Ninh Phong, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm…Đối với môi trường nước, hiện nay nguồn nước ở một số làng nghề đang có chiều hướng gia tăng các chất gây ô nhiễm như: phẩm nhuộm, các hợp chất chứa lưu hùynh trong công đoạn tẩy trắng và sấy nguyên liệu tại các làng nghề thủ công dệt chiếu cói ở Yên Khánh, Kim Sơn; nước thải từ các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, bánh đa, bún, giết mổ gia súc. …. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy mô sản xuất trong các làng nghề nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình; công nghệ sản xuất và thiết bị phần lớn ở trình độ lạc hậu, chắp vá, chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, vấn đề thu gom xử lý chất thải, khói bụi độc hại, nước thải của các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Vốn đầu tư của các cơ sở sản xuất tại các cơ sở làng nghề quá thấp, khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề có mặt bằng chật hẹp, nhà ở thường lẫn với xưởng sản xuất và nơi chứa nguyên liệu sản phẩm. Nhiều làng nghề chưa quan tâm tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường, thiếu phương tiện đảm bảo môi trường lao động như hệ thống đèn chiếu sáng, quạt hút thông gió, hút hơi độc, hút bụi, hệ thống xử lý chất thải và nước thải…
Cùng với đó là trình độ người lao động tại các làng nghề còn hạn chế, chủ yếu là lao động thủ công, chỉ học nghề trực tiếp qua thực tế lao động nên nhận thức về bảo vệ môi trường chưa cao. Ngoài ra, quan hệ sản xuất trong làng nghề mang đặc thù của quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xã; nếp sống tiểu nông của người sản xuất nhỏ đã ảnh hưởng tới sản xuất tại làng nghề, làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, các làng có nghề và làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội cũng cần phải chú trọng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến đời sống của nhân dân. Theo đồng chí Đinh Thị Huyền Nhung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường: Môi trường làng nghề là một bài toán khó, không thể khắc phục ô nhiễm trong một sớm, một chiều vì đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả người dân trong làng nghề. Một trong những giải pháp các ngành chức năng đã bàn và thống nhất là phải nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương trong quản lý. Đồng thời hoàn thiện các hệ thống văn bản về bảo vệ môi trường làng nghề như đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đối với làng nghề; lồng ghép bảo vệ môi trường làng nghề vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường cấp phường, xã, thị trấn và coi đây là hệ thống quản lý môi trường hiệu quả tại các làng nghề vì tại cấp xã cán bộ quản lý có thể đi sát hoạt động của từng hộ gia đình.
Về giải pháp quản lý làng nghề, xây dựng kế hoạch định kỳ giám sát môi trường ở một số làng nghề trong tỉnh để có số liệu đánh giá diễn biến môi trường làng nghề với các loại hình sản xuất điển hình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các làng nghề, các cơ sở sản xuất, có biện pháp hướng dẫn và xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất; di dời hoặc đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở gây ô nhiễm không tuân thủ các quy định về môi trường. Bổ sung cán bộ cho các tổ chức, bộ phận chuyên môn có liên quan ở cấp xã và cấp thôn theo cách mỗi xã có làng nghề cần có một cán bộ quản lý về môi trường, mỗi làng có một cán bộ vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, tỉnh ta cũng cần có những cơ chế chính sách khuyến khích các làng nghề bảo vệ môi trường: Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có quy hoạch xây dựng các khu, cụm làng nghề có lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải và các bãi chôn lấp chất thải rắn; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong các làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; ưu đãi vốn hoặc giảm thuế khi các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải, chất thải, khí thải đảm bảo theo quy chuẩn; có chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ vệ sinh môi trường cấp thôn để động viên các cán bộ này hoạt động có hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong thời gian trước mắt ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải cho các làng nghề có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất bún, bánh Yên Ninh, huyện Yên Khánh, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với UBND huyện Yên khánh đang phối kết hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương theo đề án kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015 của tỉnh Ninh Bình và phấn đấu hoàn thành đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến nội dung bảo vệ môi trường làng nghề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh xây dựng các dự án nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, cụ thể cho từng loại hình làng nghề và tổ chức trình diễn mô hình để các làng nghề khác học tập.
Với vai trò quản lý nhà nước và xét duyệt làng nghề cấp tỉnh, Sở Công thương có giải pháp bổ sung thêm tiêu chí về môi trường làng nghề đã quy định tại Thông tư 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-12-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trong công tác xét duyệt công nhận làng nghề cấp tỉnh. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí khuyến công trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong các làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường.
Hồng Giang