Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và 3 năm thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia bình đẳng giới, nhận thức của hệ thống chính trị, của xã hội, của gia đình và bản thân người phụ nữ về bình đẳng giới được nâng lên. Các cấp ủy Đảng, HĐND đã cụ thể hóa nội dung bằng chương trình, hành động cụ thể, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Ở mỗi cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ và luôn cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Sở Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và các hội, đoàn thể liên quan xây dựng thí điểm mô hình nhóm tư vấn cộng đồng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hệ lụy của hôn nhân có yếu tố nước ngoài, mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới… thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Đặc biệt, năm 2013, CLB cán bộ nữ tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi quan tâm, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nữ trong toàn tỉnh…
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể. Kết quả, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 cấp tỉnh đạt 11,5%, trong đó có 1 đồng chí nữ là Bí thư Tỉnh ủy, UVDKT.Ư Đảng; tỷ lệ nữ tham gia HĐND 3 cấp tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt 31%, đặc biệt có 50% số đại biểu Quốc hội của tỉnh là nữ. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động giảm nhanh.
Từ năm 2007 đến nay đã tạo việc làm mới cho trên 127 nghìn lao động, trong đó lao động nữ là trên 66 nghìn người, chiếm 52%; trên 3.600 lao động nữ được đi xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh có 349 doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các cấp hội phụ nữ đã tích cực khai thác, tạo nguồn vốn trên 1 nghìn tỷ đồng cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin, trong đời sống gia đình ngày càng được bảo đảm, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới...
Tại buổi giám sát, Sở LĐ, TB&XH kiến nghị Bộ LĐ,TB&XH tham mưu với Chính phủ chỉ đạo giao chỉ tiêu hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương cần chú ý đến các chỉ tiêu về bình đẳng giới, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các ngành ở địa phương thực hiện sát, đúng các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; sớm chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn bộ máy hoạt động bình đẳng giới các cấp.
Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng kế hoạch chuyên môn của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ban hành các chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ, đặc biệt là chính sách nâng cao trình độ cho đội ngũ nữ cán bộ trẻ; tăng thêm biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới; tăng cường ngân sách để triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới tại các địa phương, đơn vị...
Các thành viên trong Đoàn giám sát đã phát biểu, đóng góp làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục để làm tốt công tác bình đẳng giới. Đồng thời nêu lên một số vấn đề cần làm rõ như: Việc phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên về bình đẳng giới; kết quả công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; các chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ; kinh phí thực hiện hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ tại các địa phương, đơn vị; việc mất cân bằng giới tính khi sinh…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận sự cố gắng của Sở LĐ,TB&XH trong việc triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Về các kiến nghị của Sở, cần bổ sung kiến nghị với Bộ LĐ, TB&XH về việc thực hiện miễn giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng lao động nữ theo Quy định tại Nghị định số 23 của Chính phủ để chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Chủ động đề xuất với tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, tuyên truyền về bình đẳng giới. Các cơ quan thông tấn báo chí như Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh cần tăng cường thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, lựa chọn những vấn đề có tính thời sự, phản ánh trung thực có tính định hướng, dài hơi, đảm bảo tuyên truyền hiệu quả, có chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, giúp các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu Sở LĐ, TB&XH tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo trong thời gian sớm nhất. Đối với các kiến nghị, đề xuất của Sở LĐ, TB&XH thuộc phạm vi của tỉnh, Đoàn sẽ tổng hợp trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.
Các kiến nghị khác Đoàn sẽ báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Mỹ Hạnh-Thế Minh