Trước khi thoát nghèo, gia đình anh Trần Tiến Dũng là một hộ nghèo có thâm niên ở xã Kim Hải (huyện Kim Sơn). Bởi vậy, với việc chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2019 thì Tết năm nay được xem là một dấu mốc đặc biệt đối với gia đình anh Dũng.
"Những năm qua, vợ chồng tôi dành tâm huyết cho hơn 4000m2 ao tôm. Tuy nhiên, do không có điều kiện để đầu tư cho ao nuôi, chúng tôi nuôi theo hình thức quảng canh và vận dụng kinh nghiệm của bản thân, vì vậy mà năng suất không cao. Có năm tôm vướng dịch bệnh chết hết. Mặc dù có nhiều rủi ro, nhưng ngoài nuôi tôm, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở Kim Hải chẳng biết làm gì để mưu sinh và phát triển kinh tế cả"- anh Dũng trần tình về sự nỗ lực thoát nghèo không thành những năm trước đó.
Năm 2018, gia đình anh Dũng được xã Kim Hải lựa chọn là một trong 162 hộ tham gia vào dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của xã bãi ngang. Thực hiện chương trình này, xã Kim Hải đã xây dựng 3 dự án, đó là: Dự án nuôi tôm thẻ bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học; Nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, theo hướng an toàn sinh học và hỗ trợ mô hình nuôi cua biển bán thâm canh, với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. 162 hộ tham gia vào dự án là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tâm huyết và phải có lao động.
Tham gia thực hiện dự án này, các hộ được hỗ trợ tập huấn và chuyển giao KHKT; hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, tôn tạo hệ thống ao nuôi; con giống, thức ăn phát sinh. Ngoài ra, tham gia dự án, người nuôi sẽ được các cán bộ của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản sát cánh tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật…
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải khẳng định, những chính sách hỗ trợ về hệ thống cơ sở vật chất cho các xã bãi ngang, các chính sách hỗ trợ công cụ sản xuất cho người nghèo… nhằm tạo nguồn lực để người nghèo ở các xã bãi ngang, vùng khó vươn lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu người nghèo thiếu quyết tâm, thiếu khát vọng vươn lên… thì mọi chính sách hỗ trợ đều vô hiệu.
Vì vậy, khi triển khai các Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế này, địa phương xác định phải thực hiện chính sách một cách linh hoạt, chủ động và thực sự biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thành "lực đẩy" để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, khi tham gia vào Dự án này, người tham gia được chủ động lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, năng lực của gia đình để tham gia, thay vì người nghèo chỉ là đối tượng thụ hưởng hoàn toàn. Đặc biệt, trước khi tham gia dự án, người nghèo viết đơn cam kết sẽ nỗ lực để thoát nghèo... Từ sự hỗ trợ thiết thực của Dự án và sức mạnh tinh thần của lá đơn xin thoát nghèo ấy, gia đình anh Trần Tiến Dũng và nhiều hộ khác sau khi tham gia Dự án đã chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Phú Long (huyện Nho Quan) là một trong 5 xã được hưởng các chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đồng chí Bùi Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, để khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo, những năm qua, địa phương đã chỉ đạo các đoàn thể tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân Phú Long. Bên cạnh đó, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác hỗ trợ công cụ để người nghèo vươn lên từ các chính sách của Chương trình 135 cũng ngày càng phát huy hiệu quả.
Riêng năm 2018, xã Phú Long được tiếp nhận và đã cấp 51 con bê cho hộ nghèo, cận nghèo có lao động và 1.500 con gà; luân chuyển 6 con bò của Tập đoàn Vingroup… Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,33%, trong đó chủ yếu là hộ già cả, neo đơn.
Đồng chí Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan có 5 xã, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số là 9,24%. Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là do các hộ thiếu lao động tham gia sản xuất, thiếu vốn sản xuất và gia đình có người ốm đau dài ngày và đặc biệt là vẫn còn những hộ còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu quyết tâm vươn lên. Từ việc nắm vững nguyên nhân nghèo, huyện Nho Quan đã triển khai, áp dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp hỗ trợ từ Chương trình 135 một cách có hiệu quả để tạo nguồn lực cho người nghèo vươn lên.
Trong giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn thực hiện trên 333 tỷ đồng để đầu tư xây mới, duy tu bảo dưỡng 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, trụ sở UBND xã, chợ xã. Các dự án khác cũng được thực hiện đó là: Hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình…
Với các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, thực sự đã trở thành "lực đẩy" để người nghèo vươn lên. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 5 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 trên địa bàn huyện Nho Quan là 5,59%, hộ cận nghèo là 6,94%.
Bài, ảnh: Đào Hằng