Mặc dù còn không ít những khó khăn nhưng với một sự mở đầu thuận lợi này các doanh nghiệp đều đã có cơ sở để hy vọng cho sự hồi sinh trong năm mới 2013.
Đông chí Phạm Ngọc ánh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo thông báo từ NHNN từ ngày 24-12-2012, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.
Cũng theo đồng chí Phạm Ngọc ánh, mức lãi suất cho vay 12%/năm là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của thống đốc NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hiện các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng điều chỉnh biểu bảng lãi suất theo quy định. Giới chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, đây là tín hiệu tốt để ổn định thị trường tiền tệ trong năm tài chính 2013.
Quy định giảm lãi suất lần này của NHNN được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao vì lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm xuống, tạo tiền đề để mặt bằng lãi suất mới ổn định, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Văn Sựng, Giám đốc Doanh nghiệp Hoàng Sơn chia sẻ, một thời gian dài các doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất quá cao, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn vay ngân hàng nhiều. Do vậy, động thái giảm lãi suất của NHNN là dấu hiệu đáng mừng cho những doanh nghiệp sản xuất, là điều kiện để các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất sát hơn, chặt hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị thủ tục nhập nguyên vật liệu cũng như các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp, bảo hiểm giấy tờ để xúc tiến các hợp đồng trong thời gian tới. Hy vọng với những hỗ trợ đúng lúc của Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay, bước sang năm 2013 các doanh nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội để phục hồi và phát triển.
Theo ông Phạm Văn Mược, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, việc giảm lãi suất của NHNN là cần thiết để cứu doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì hiện nay, lạm phát có xu hướng giảm, nên việc hạ lãi suất cũng là điều hợp lý, khi lãi suất huy động giảm, thì lãi suất vay cũng sẽ giảm theo, và doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Từ đó, thị trường hàng hóa sẽ ổn định và dồi dào, giá cả sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thị trường tiêu thụ không có. Nếu giảm lãi suất thì mới chỉ kích thích sản xuất, kích cung chứ chưa kích cầu. "Hơn nữa, cái doanh nghiệp cần bây giờ là có đầu ra cho hàng hóa, cần người tiêu thụ sản phẩm chứ không phải cần vốn để mở rộng sản xuất. Theo tôi, ngoài giảm lãi suất nên tìm các phương án giải phóng hàng tồn kho cho họ" - ông Hoàng Văn Sựng, Giám đốc Doanh nghiệp Hoàng Sơn bày tỏ quan điểm.
Về câu chuyện giảm lãi suất, ông Phạm Văn Mược, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cho rằng, lãi suất không còn là điểm "tắc nghẽn" của doanh nghiệp nữa. Nay câu chuyện đã chuyển sang việc doanh nghiệp có hấp thụ được vốn không. Việc giảm lãi suất lần này sẽ chỉ tác động được một phần nào thôi. Quan trọng là doanh nghiệp có biết dùng vốn để làm gì hay không? Việc giảm 1-2% chỉ như muối bỏ bể trong việc tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp. Vấn đề là phải giảm hàng tồn kho để họ thu tiền về và dám đầu tư sản xuất tiếp. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất hy vọng cùng với những chính sách về tiền tệ, năm 2013 Nhà nước sẽ tích cực có những động thái giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện phía NHNN cũng bày tỏ quan điểm: Việc hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm không chỉ có ý nghĩa đối với khách hàng vay vốn mà còn có tác động tích cực đối với chính các ngân hàng bởi lãi suất càng cao rủi ro càng lớn. Việc giảm lãi suất được Ngân hàng thực hiện đối với tất cả các khoản vay, không phân biệt cá nhân, tổ chức, loại hình, đối tượng vay nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Hy vọng với chủ trương mới, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh đem lại lợi nhuận, góp phần phục hồi lại nền kinh tế từ đó ổn định thị trường tiền tệ. Vị này cũng cho biết thêm, việc giảm lãi suất không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng nói chung và việc huy động vốn nói riêng mà còn giúp tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Nhìn lại thị trường tiền tệ từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN đã 5 lần giảm trần lãi suất, 6 lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất cho vay hiện còn 12-15%/năm. Việc giảm lãi suất trong năm 2013 đã tiếp thêm niềm tin, niềm hy vọng cho doanh nghiệp để họ mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh cho năm tới.
Bảo Yến