Theo thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, từ ngày 7/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh đã có văn bản yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của Thống đốc NHNN về lãi suất cho vay; chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có thêm nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn giảm lãi suất cho vay. Ông Thái Thăng Long, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Vietcombank và NHNN tỉnh, Chi nhánh đã tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm 0,5%/năm.
Các lĩnh vực được điều chỉnh giảm lãi suất bao gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thương mại; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường công tác quản trị rủi ro, Vietcombank đã và đang nỗ lực đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, Vietcombank liên tục triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Đây là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế.
Cùng với hệ thống NHTM khối Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục chủ động mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Agribank đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Như vậy, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đã được giảm trên diện rộng và như một hiệu ứng lan tỏa tất yếu của ngành Ngân hàng trong việc nhanh chóng thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực vì mục tiêu chung để phát triển kinh tế.
Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất vay đang phát đi tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp và cho cả ngành Ngân hàng. Bởi, đầu tiên sẽ giúp bản thân các ngân hàng khơi thông dòng vốn, dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017. Kế đến, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ giảm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo số liệu của NHNN chi nhánh Ninh Bình, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến 30/6/2017 ước đạt 35.092 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm, trong đó: Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, Ngân hàng CSXH, quỹ TDND đến 30/6/2017 ước đạt 35.088,5 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm, đáp ứng 61,9% tổng dư nợ cho vay.
Trong khi đó tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm ước đạt 63.400 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Trong đó: Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ TDND và Ngân hàng CSXH ước đạt 58.244 tỷ đồng, tăng 10,1% so với 31/12/2016.
Trong đó, mức lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 8,9%; lãi suất từ 7 đến dưới 9% chiếm 30,2%; lãi suất từ 9-11% chiếm 46,8%; lãi suất trên 11% chiếm 14%. Điều này cho thấy, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng Ninh Bình tăng trưởng khá ổn định và có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng 16-18% năm 2017 theo kế hoạch đề ra.
Bảo Yến