Các đồng chí: Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Ngọc Hà, TUV, Phó chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì phiên chất vấn. Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban thường trực UBMTTQ VN tỉnh; đại diện các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Theo báo cáo, từ năm 2016-2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục đã thụ lý 13.306 việc với số tiền phải thi hành 926.609 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 305 việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng với số tiền 628.171 nghìn tỷ đồng. Đã tổ chức thi hành xong 94 việc với số tiền 304.675 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua, công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh, do đó kết quả thi hành án luôn đảm bảo chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội đề ra.
Hoạt động liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến việc thu hồi nợ xấu, giảm nợ xấu. Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan tư pháp cùng cấp và chính quyền địa phương được tăng cường.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện pháp luật về công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng vẫn còn một số khó khăn hạn chế như: Số vụ việc giải quyết đạt tỷ lệ thấp so với vụ việc thụ lý. Trong quá trình xác minh điều kiện thi hành một số vụ việc chưa chuẩn xác, chưa có biện pháp kịp thời ngăn chặn, tẩu tán tiền, tài sản thi hành án... Một số cán bộ tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục cho vay, thiếu kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn vay; việc thẩm định vốn vay còn cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế...
Tại phiên họp, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc các ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Việt nam Chi nhánh Ninh Bình, Tam Điệp, Ngân hàng Cổ phần thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Ninh Bình, Tam Điệp, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Ninh Bình và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải trình 15 câu hỏi của các đại biểu dự phiên giải trình.
Nội dung giải trình tập trung làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao về công tác quản lý Nhà nước, trách nhiệm đối với các tổ chức tín dụng có liên quan đến một số vụ việc khó khăn, phức tạp đang thi hành án; công tác phối hợp của cácsở, ngành và UBND các huyện, thành phố có liên quan.
Kết luận tại phiên giải trình, đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao phần trả lời của thủ trưởng các cơ quan đã thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn giải trình về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, của cơ quan, doanh nghiệp và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đồng thời đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình và các cơ quan, đơn vị có liên quan, các vị đại biểu HĐND tỉnh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành án nói chung và công tác thi hành án đối với lĩnh vực tín dụng ngân hàng nói riêng.
Đối với Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Chỉ đạo THA dân sự các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành phần đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác thi hành án dân sự.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố tăng cường công tác rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các cơ quan liên quan như: công an, cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai, chính quyền địa phương… để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác xác minh thông tin, điều kiện về tài sản thế chấp và tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho những người được giao, mua tài sản bán đấu giá khi tổ chức thi hành án.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ tín dụng, ngân hàng, của người phải thi hành án và các tổ chức, cá nhân có liên quan thì kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự trong việc rà soát các vụ việc thi hành án; xử lý các vướng mắc, vi phạm quy định về chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng. Tiến hành thanh tra hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng liên quan đến một số vụ việc đang có khó khăn, vướng mắc trong thi hành án, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn