Một số doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả luôn duy trì việc ý kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với công đoàn cơ sở, thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và kết quả kinh doanh. Nội dung thương lượng, ký kết TƯLĐTT có nhiều điểm có lợi cho người lao động như: Chế độ hiếu, hỷ, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, giảm giờ làm việc, bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng, chế độ ăn giữa ca, khen thưởng... Từ đó có tác dụng khuyến khích, phát huy dân chủ, vai trò, vị trí của BCH công đoàn và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng nhanh hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số doanh nghiệp chưa ký kết TƯLĐTT với người lao động. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã xây dựng TƯLĐTT nhưng chất lượng thỏa ước lao động chưa cao, chủ yếu còn sao chụp luật; một số doanh nghiệp chưa sửa đổi TƯLĐTT cho phù hợp với chính sách; một số chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết TƯLĐTT; nội dung thương lượng ít có lợi cho người lao động và không thể hiện hết trách nhiệm của phía người sử dụng lao động. TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. TƯLĐTT gồm TƯLĐTT Doanh nghiệp, TƯLĐTT ngành và hình thức TƯLĐTT khác do Chính phủ quy định. Nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa ký kết TƯLĐTT, hoặc ký kết mang tính hình thức là do chế tài xử phạt chưa nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Người sử dụng lao động còn xem nhẹ quyền lợi của người lao động, né tránh việc ký kết TƯLĐTT cũng như thực hiện thỏa ước lao động; thiếu tôn trọng quy tắc ứng xử đối với các tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó các tổ chức công đoàn không phải khi nào cũng đủ bản lĩnh và năng lực về thương lượng với người sử dụng lao động để tiến tới ký kết TƯLĐTT có lợi cho người lao động. Việc thanh, kiểm tra về thực hiện Luật Lao động chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiêp vi phạm các quy định về TƯLĐTT.
Để giải quyết các bất cập trong TƯLĐTT, LĐLĐ tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở; quan tâm đến việc đào tạo kiến thức, kỹ năng hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở. Thành lập đội ngũ chuyên gia đàm phán, thương lượng về TƯLĐTT để các chuyên gia này hỗ trợ tổ chức công đoàn cơ sở tiến hành tốt việc đàm phán, thương lượng với các chủ doanh nghiệp để ký kết TƯLĐTT. Xây dựng và phổ biến những TƯLĐTT mẫu, thỏa ước khung để các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn làm căn cứ thương lượng. Ngoài ra, cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động nhằm nâng cao việc thực hiện pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Trần Dũng