Một trong những nguyên nhân góp phần đạt kết quả trên là công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường, thường xuyên ở tất cả các cấp, nhất là việc giải quyết các khiếu tố liên quan đến công tác bầu cử được chú trọng, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, các thông tư, hướng dẫn của Trung ương, quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021, Ban chỉ đạo, lãnh đạo cuộc bầu cử tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời các văn bản của Trung ương và của tỉnh, trong đó, trọng tâm là Hướng dẫn số 20-HD/UBKTT.Ư, ngày 12-1-2016 của UBKT Trung ương về thực hiện giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hđnd các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước tình hình số lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian diễn ra Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tăng so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ trước, ngay sau khi được thành lập, Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất với Thường trực UBKT Tỉnh ủy chỉ đạo ngành kiểm tra tỉnh chú trọng thực hiện công tác tiếp công dân và đảng viên, phân công cán bộ, kiểm tra viên theo dõi địa bàn nắm chắc số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với nhân sự giới thiệu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, để tham mưu, đôn đốc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết theo đúng quy định; nắm chắc tình hình các tổ chức đảng trực thuộc, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có vấn đề phức tạp, bức xúc mà đảng viên và nhân dân quan tâm. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy có thẩm quyền phải chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm khi có các vụ, việc khiếu nại, tố cáo của công dân từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người trước, trong và sau ngày bầu cử.
Trên cơ sở bám sát các văn bản của Trung ương, của tỉnh về giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như Quy chế phối hợp giữa các Ban Đảng của Tỉnh ủy trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ bầu cử đã thành lập nhiều đoàn, tổ công tác, cũng như tăng cường phối hợp với cấp ủy, tổ chức Đảng ở các huyện, thành phố, ngành chức năng trong tỉnh kịp thời xem xét và chỉ đạo việc giải quyết những nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân và đảng viên liên quan đến ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh. Đồng thời chủ động tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư tố cáo, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết và chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết theo quy định.
Trong thời gian quy định của Luật Bầu cử, Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ bầu cử đã tiếp nhận 41 đơn, liên quan đến 25 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Trong đó có 9 đơn liên quan đến 6 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh; có 18 đơn liên quan đến 4 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện; có 14 đơn liên quan đến 15 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo: Ngoài việc tham mưu cho ủy ban Bầu cử tỉnh xem xét, kết luận và trả lời người có đơn theo quy định, Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ bầu cử đã trực tiếp xem xét, giải quyết, kết luận 2 đơn và có văn bản trả lời không thụ lý giải quyết 12 đơn (do nội dung đơn xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích, chuyển sang tố cáo cán bộ đã ký văn bản giải quyết; nội dung đơn đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kết luận nhưng người tố cáo vẫn tái tố, tái khiếu mà không đưa ra được tình tiết và chứng cứ mới); Lưu theo quy định 11 đơn (do đơn không ký tên, đơn mạo danh, đơn trùng nội dung); chuyển đến các cơ quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền 16 đơn (ủy ban bầu cử cấp huyện xem xét, giải quyết 10 đơn; UBKT Tỉnh ủy 1 đơn; Thường trực HĐND tỉnh khóa XIV xem xét, giải quyết 5 đơn).
Cũng trong thời gian quy định của Luật Bầu cử, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận và chuyển 4 đơn liên quan đến ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sang HĐND khóa mới xem xét, giải quyết (do nội dung đơn phức tạp và người có đơn gửi đến sát ngày bầu cử).
Đối với cấp xã, có 26 đơn liên quan đến 26 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 -2021, ủy ban Bầu cử các huyện, thành phố đã chỉ đạo, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết xong 19 đơn. Còn 7 đơn chuyển sang HĐND khóa mới chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định (do người có đơn gửi đến sát ngày bầu cử và nội dung phức tạp).
Với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp; tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhất là các khiếu tố liên quan đến công tác bầu cử được giải quyết kịp thời, chặt chẽ, thận trọng, công tâm, khách quan, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, đã góp phần tạo nên sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, và bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp.
Xuân Lam
UBKT Tỉnh ủy